|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tất cả nhà băng phải lên sàn?

08:25 | 16/12/2016
Chia sẻ
Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ qua Thông tư 180/2015/TT-BTC, hết năm nay tất cả các NH đều phải lên sàn chứng khoán (CK), không phân biệt sàn chính thức hay UPCoM, nhằm nâng cao tính thanh khoản và minh bạch thông tin.

Thế nhưng năm 2016 đã gần hết, đến nay số lượng các NH đăng ký lên sàn vẫn khá khiêm tốn.

Thời hạn năm 2016 không còn nhiều, nhưng tính đến nay mới có 9 NH đang niêm yết trên 2 sở HOSE và HNX là Vietcombank, BIDV, Vietinbank, ACB, Sacombank, SHB, NVB, MB, Eximbank và 2 đơn vị đã đăng ký và được cấp mã CK là Techcombank, VIB. Các NH còn lại đều đang giao dịch trên sàn tự do (OTC). Thực tế, BIDV là NH niêm yết vào ngày 24-1-2014, và từ đó đến nay chưa có thêm nhà băng nào.

Không có giờ G

Đầu tuần này, Trung tâm Lưu ký CK Việt Nam (VSD) có thông báo về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký CK và cấp mã CK cho Techcombank là TCB. Số lượng CK đăng ký 887,8 triệu cổ phiếu, giá trị đăng ký hơn 8.878 tỷ đồng, tương đương hơn 8.878 tỷ đồng vốn điều lệ.

Trước đó vài ngày, VSD cũng thông báo về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký CK cho VIB với mã CK VIB. Số lượng CK đăng ký hơn 564,44 triệu cổ phần, tương đương hơn 5.644 tỷ đồng.

Đây là bước khởi đầu trước khi cổ phiếu của Techcombank và VIB chính thức giao dịch trên thị trường CK. Trong quý cuối năm, Kienlongbank cũng chốt danh sách cổ đông vào giữa tháng 10 để làm thủ tục đăng ký CK tại VSD và đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2016, các NH trên cũng đã trình cổ đông kế hoạch lên sàn.

Techcombank lý giải, Thông tư 180/2015/TT-BTC ngày 13-11-2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký giao dịch CK trên hệ thống giao dịch cho CK chưa niêm yết, các công ty đại chúng có cổ phần chưa được niêm yết trên Sở Giao dịch CK như Techcombank phải thực hiện đăng ký giao dịch CK trên hệ thống UPCoM không muộn hơn ngày 31-12-2016.

Techcombank cũng đánh giá việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE/HNX là việc làm cần thiết để tăng khả năng thanh khoản của cổ phiếu Techcombank, minh bạch thông tin và gia tăng uy tín, hình ảnh và giá trị của Techcombank.

Cũng trong tuần này, quyết nghị bằng hình thức lấy ý kiến, cổ đông OCB nhất trí về việc không đăng ký giao dịch CK trên hệ thống giao dịch cho CK chưa niêm yết (UPCoM) mà niêm yết thẳng trên HOSE. Tuy nhiên, vẫn chưa biết thời điểm niêm yết dự kiến là khi nào. HĐQT sẽ chủ động lựa chọn thời điểm thích hợp để niêm yết, tùy tình hình thị trường và điều kiện thực tế của OCB. Trước đó, trong kỳ họp ĐHCĐ hồi tháng 4-2016, OCB đã thông qua việc niêm yết trên UPCoM.

Không chỉ OCB, trong đợt đại hội này, nhiều NH khác cũng chạy đua xin ý kiến cổ đông về chủ trương niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCoM theo Thông tư 180. Chẳng hạn VietAbank dự kiến đăng ký giao dịch trên UPCoM hoặc HOSE hoặc HNX. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, cũng cho biết NH đang tiến hành các thủ tục để lên sàn và chờ hướng dẫn của Ủy ban CK. Chủ tịch HĐQT của VIB cho rằng lên sàn UPCoM để việc giao dịch rộng rãi và thuận tiện hơn, thông tin minh bạch, tăng sức hấp dẫn cho cổ phiếu. Thế nhưng với các nhà băng khác, tiến trình thực hiện vẫn khá ì ạch, dù giờ G đã điểm.

Quan trọng là tính minh bạch

Số liệu từ TS. Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, cho biết đến nay tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NH là 2,58%, bao gồm cả tài sản ngoại bảng và tại VAMC. Theo giới phân tích, nợ xấu vẫn là rào cản khiến cổ phiếu NH chưa hấp dẫn nhà đầu tư trở lại như thời hoàng kim trước đây. Việc không hấp dẫn, giá thấp cũng là lý do lãnh đạo các NH lấy ra để giải thích với cổ đông việc chưa muốn chọn thời điểm hiện nay để lên sàn.

Tại đại hội vào tháng 4-2016, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, từng nhận định việc thực hiện niêm yết phải căn cứ vào 3 yếu tố. Đó là thị trường CK có tốt để thu hút nhà đầu tư; nền kinh tế có chuyển biến tích cực để đủ dòng tiền hấp thụ khi cổ phiếu NH niêm yết; NH có đủ tiềm lực tài chính mạnh mẽ để tự tin khi niêm yết. TPBank phải hoàn thiện cân bằng bằng vốn tự có ngang với vốn điều lệ 5.500 tỷ đồng mới có thể nghĩ đến kế hoạch niêm yết. Do đó, khoảng năm 2017-2020 mới là thời điểm thuận lợi để NH niêm yết, có thể là UPCoM hoặc 2 sở HNX và HSX.

NHNN và Uỷ ban CK đã nhiều lần có công văn nhắc các NHTM phải thực hiện đúng lộ trình niêm yết trên sàn CK như UPCoM mà không bắt buộc sàn CK chính thức. Thời gian gần đây một số NH chưa niêm yết cũng bắt đầu làm thủ tục lưu ký trên VSD, nhưng số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay dù năm 2016 đã sắp hết. Việc đưa cổ phiếu từ thị trường tự do OTC lên UPCoM là một bước tiến của các công ty đại chúng nói chung và NH nói riêng để đáp ứng được quy định. Minh chứng là trong 9 tháng năm nay, giá trị trên thị trường UPCoM đã tăng 4 lần, với khoảng 9 tỷ USD.

Có chuyên gia cho rằng đây không phải lượng cung mới mà chuyển từ dạng này sang dạng khác nên việc đưa doanh nghiệp lên sàn là đúng đắn, minh bạch hóa và thúc đẩy tính giải trình. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều cổ đông lo ngại vẫn là thanh khoản của cổ phiếu có được cải thiện hay không. Hơn nữa, các đơn vị niêm yết trên UPCoM vẫn được cho là chưa bị ràng buộc phải công bố thông tin như các đơn vị đang giao dịch trên thị trường CK niêm yết. Do đó minh bạch thông tin vẫn còn là vấn đề mà cổ đông phải mong chờ, dù NH có niêm yết trên UPCoM.

Xuân Anh