|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tập đoàn DOJI báo lãi hơn nghìn tỷ đồng năm 2022, gấp 4,4 lần cùng kỳ

17:09 | 20/04/2023
Chia sẻ
Tính đến cuối năm 2022, dư nợ trái phiếu của DOJI chỉ còn 636 tỷ đồng, giảm 83%, tương ứng giảm hơn 3.200 tỷ đồng so với đầu năm do công ty đã thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn.

CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận sau thuế gần 1.017 tỷ đồng, gấp 4,4 lần năm trước đó.

Năm 2022, một doanh nghiệp cũng kinh doanh vàng là CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) cũng báo lãi cao kỷ lục với 1.807 tỷ đồng, tăng gần 76% so với năm 2021.

Tại thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của DOJI là 6.361 tỷ đồng, tăng 19%, tương ứng tăng 1.028 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 17,39%, cải thiện so với con số 5,02% của năm 2021.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của DOJI tại cuối năm 2022 là 1,95, tương ứng với tổng nợ phải trả là 12.403 tỷ đồng, tăng 25%. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 636 tỷ đồng, giảm 83% so với đầu năm và chiếm 5% tổng nợ phải trả.

Tính tới cuối năm 2022, tổng tài sản của Tập đoàn ông Đỗ Minh Phú lên tới 18.765 tỷ đồng, tăng hơn 3.500 tỷ sau một năm.

 Nguồn: Tổng hợp từ công bố thông tin của DOJI.

Theo công bố thông tin trên chuyên trang trái phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tháng 7/2020 - 9/2021, DOJI đã phát hành 6 đợt trái phiếu với 4 lô có kỳ hạn 60 tháng, 2 lô kỳ hạn 36 tháng với tổng giá trị 3.600 tỷ đồng.

Lãi suất áp dụng cố định cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 8,75%/năm. Bên đứng ra làm đại lý phát hành, đại lý đăng ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng/đại diện người sở hữu các lô trái phiếu là CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS).

Từ tháng 4/2022 đến ngày 10/4/2023, DOJI đã thực hiện mua lại trước hạn 2.710 tỷ đồng trái phiếu.

Theo giới thiệu, Tập đoàn DOJI tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, thành lập năm 1994. Năm 2007, công ty này chính thức đổi tên thành CTCP Vàng bạc đá quý và Đầu tư thương mại DOJI.

Những năm cuối thập niên 90, khi ngành khai thác đá quý còn chưa được chú ý, DOJI nổi lên là đơn vị tiên phong về hoạt động này để xuất khẩu.

Từ năm 1994, DOJI làm chủ nguồn nguyên vật liệu cung cấp từ các hoạt động khai thác mỏ, sau đó là việc chế tác cắt mài và sản xuất. Những năm sau đó, công ty tập trung vào kinh doanh vàng miếng, trang sức, xuất nhập khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, mở rộng hệ thống những chuỗi trung tâm vàng bạc toàn quốc.

Giai đoạn 2006 - 2007, DOJI thâu tóm CTCP Vàng bạc đá quý Hà Nội và SJC Đà Nẵng để trở thành công ty kinh doanh và phân phối vàng miếng lớn nhất cả nước. Năm 2020, Tập đoàn của người sáng lập Đỗ Minh Phú hoàn tất thương vụ thâu tóm Công ty TNHH Thế giới Kim cương.

Trên website, Tập đoàn DOJI ghi nhận có 15 công ty con, 5 công ty liên kết góp vốn và 61 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán,...

Minh Hằng