|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng vượt kỳ vọng, kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều nỗi lo

21:00 | 27/04/2019
Chia sẻ
Trong khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới từ Anh, Đức cho đến Hàn Quốc, Nhật Bản bộc lộ các dấu hiệu suy yếu rõ rệt thì cỗ máy kinh tế Mỹ vẫn “đơn thương độc mã” tiến lên phía trước. Song kinh tế Mỹ vẫn ẩn chứa nhiều nỗi lo khi một số dữ liệu u ám bắt đầu xuất hiện.
Tăng trưởng vượt kỳ vọng, kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều nỗi lo - Ảnh 1.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,2% trong quí 1-2019, theo ước tính của Bộ Thương mại Mỹ. Ảnh: BBC News

Kinh tế Mỹ khởi sắc bất chấp tâm lý bi quan

Hôm 26-4, Bộ Thương mại Mỹ thông báo trong quí 1-2019, GDP của Mỹ ước tính tăng trưởng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng mạnh nhất của quí 1 trong bốn năm qua.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, các yếu tố giúp thúc đẩy tăng trưởng bao gồm xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm, đầu tư cho hàng tồn kho tăng cao, chi tiêu của chính phủ tăng. Xuất khẩu ròng (giá trị kim ngạch xuất khẩu cao hơn giá trị kim ngạch nhập khẩu) đóng góp đến 1,03 điểm % cho GDP của Mỹ trong quí vừa qua.

Tăng trưởng mạnh về đầu tư hàng đầu tồn kho đóng góp đến 0,67 điểm % cho tốc độ tăng trưởng trong quí 1. Bộ Thương mại Mỹ cho biết giá trị hàng tồn kho của Mỹ tăng 128,4 tỉ đô la trong quí 1, mức tăng mạnh nhất kể từ quí 2-2015, cho thấy có sự cải thiện lớn trong sản xuất hàng tồn kho cho các ngành công nghiệp hàng hóa bền (ô tô, đồ gia dụng, thiết bị y tế...) và không bền (thực phẩm, bia, thuốc lá, áo quần, giày dép...

Mức tăng trưởng 3,2% gây bất ngờ lớn vì trước đó, đa phần các  chuyên gia kinh tế dự báo kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng khoảng 2-2,5% trong quí đầu năm này khi chứng kiến kinh tế toàn cầu suy yếu, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung kéo dài, chứng khoán Mỹ lao dốc và chính phủ Mỹ đóng cửa một phần vào hồi đầu năm nay.

Đã có lúc tình trạng bi quan dâng cao khiến Ngân hàng dự trữ liên bang Atlanta (một trong 12 ngân hàng khu vực của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - Fed), cảnh báo GDP của Mỹ trong quí 1 chỉ tăng trưởng 0,3%. Triển vọng kinh tế Mỹ sáng sủa trở lại khi Fed gác kế hoạch nâng lãi suất trong năm nay, tình trạng đóng cửa chính phủ Mỹ kết thúc vào cuối tháng 1, chứng khoán Mỹ hồi phục, nền kinh tế Trung Quốc được củng cố.

Đón nhận tin vui của nền kinh tế, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, nói: “Nền kinh tế dưới sự cầm lái của Tổng thống Trump đã liên tiếp thách thức những kẻ nghi ngờ dự báo kinh tế Mỹ sắp tiến vào suy thoái đồng thời khôi phục vị thế của Mỹ với tư cách là nguồn tăng trưởng bền bỉ”.

Tăng trưởng vượt kỳ vọng, kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều nỗi lo - Ảnh 2.

Cảng Seattle ở TP. Seattle, bang Washington, Mỹ. Xuất khẩu ròng trong quí 1-2019 là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP của Mỹ trong quí 1-2019. Ảnh: Reuters

Các dấu hiệu đáng lo ngại

Song các dữ liệu của nền kinh tế Mỹ khác đang phát ra những dấu hiệu đáng lo ngại. Trước hết, chi tiêu của người tiêu dùng trong nước, vốn đóng góp đến 2/3 GDP của Mỹ, chỉ tăng 1,2% trong quí 1, giảm tốc mạnh so với mức tăng 2,5% trong quí 4-2018. Riêng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ cho hàng hóa bền giảm đến 5,9%, mức giảm tệ nhất kể từ năm 2009. Điều này cho thấy người Mỹ đang hạn chế mua các mặt hàng có giá trị lớn như xe cộ.

Trong khi đó, chi tiêu và đầu tư ở khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng 1,3%, mức yếu nhất kể từ năm 2013.

Trong quí 1, đầu tư cố định của Mỹ (phán ánh mức chi tiêu cho phần mềm, nghiên cứu và phát triển, thiết bị, văn phòng, nhà xưởng...của các doanh nghiệp Mỹ) tăng 2,7%, chậm lại rất nhiều so với mức tăng 5,7% trong quí cuối năm ngoái.

Tăng trưởng vượt kỳ vọng, kinh tế Mỹ vẫn còn nhiều nỗi lo - Ảnh 3.

Lĩnh vực nhà đất cũng là một cản lực tăng trưởng của kinh tế Mỹ  khi đầu tư cho nhà ở giảm 2,8% trong quí 1, đánh dấu quí suy giảm thứ năm liên tiếp.

Các dữ liệu đáng lo khác bao gồm chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), đo lường giá cả hàng hóa và dịch vụ, chỉ tăng 0,6% trong quí 1 so với mức 1,5% trong quí 4-2018, trong khi đó, chỉ số giá PCE cốt lõi (loại trừ tác động của giá cả năng lượng và thực phẩm) tăng 1,3%.

Các quan chức Fed muốn duy trì lạm phát ở mức 2% trong năm nay vì điều đó cho thấy nền kinh tế Mỹ khỏe mạnh. Lạm phát dưới mức 2% có thể là dấu hiệu nhu cầu trong nước suy yếu. Các chuyên gia nhận định nếu chỉ số giá PCE cốt lõi của Mỹ tiếp tục yếu đi trong thời gian tới, Fed có thể cân nhắc cắt giảm lãi suất.

“Nếu nhìn ra bên ngoài con số tăng trưởng gây ấn tượng của kinh tế Mỹ, có nhiều lý do để lo ngại”, nhà kinh tế Paul Ashworth ở tổ chức tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh) nhận định khi cho rằng các động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong quí 1 của Mỹ bao gồm tăng trưởng khởi sắc ở các lĩnh vực xuất khẩu, hàng tồn kho, chi tiêu của chính phủ chỉ là tạm thời và có thể đảo ngược trong thời gian còn lại của năm 2019.

Ông nói khi các lĩnh vực này đảo ngược trong các quí tới, tăng trưởng của Mỹ chỉ còn khoảng 1%.  Trong quí 1, xuất khẩu của Mỹ tăng gần 4% trong quí 1 nhưng nhập khẩu suy giảm 3,7% vì nhu cầu yếu ớt trong nước. Trong khi đó, tổng khối lượng thương mại toàn cầu trong 3 tháng (tính đến tháng 2-2019) giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo của Cục Phân tích Chính sách Kinh tế Hà Lan (CPB) công bố hôm 24-4.

Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ không thể dựa vào xuất khẩu ròng để nâng đỡ tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm 2019.

Một động lực lớn cho tăng trưởng trong quí 1 là cú tăng bất ngờ của giá trị hàng tồn kho, tức các mặt hàng đã được sản xuất nhưng chưa bán. Việc đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho có thể là dấu hiệu cho thấy các công ty kỳ vọng nhu cầu tăng trong tương lai nhưng cũng có thể là chỉ dấu cho thấy hàng tồn kho đang ứ lại ngày mỗi nhiều do nhu cầu trong nước yếu. 

Lê Linh