|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tăng trưởng tín dụng tới 21/12 đạt 10,14%, mục tiêu khoảng 12% trong năm 2021

09:10 | 24/12/2020
Chia sẻ
Tín dụng toàn nền kinh tế đã có bước cải thiện rõ rệt trong những tháng cuối năm, đưa con số tăng trưởng lên trên 10% vào cuối tháng 12.

Theo thông tin tại Họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tính đến ngày 21/12/2020, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019 và tăng 11,62% so với cùng kì năm trước. 

Tính đến 18/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kì năm 2019. Thanh khoản hệ thống được thông suốt.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, cho biết dự kiến tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2020 có thể đạt tới 10,5 - 11% so với cuối năm trước.

Đây là một kết quả của sự nỗ lực của toàn ngành trong bối cảnh nhu cầu tín dụng suy yếu bởi các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Chia sẻ về kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2021, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: "Con số định hướng cho năm tới là khoảng 12%, tuỳ theo điều kiện thực tế của thị trường cũng có thể nới thêm tới 13 - 14% nhưng con số này không phải là chỉ tiêu pháp lệnh hay bắt buộc mà là chỉ tiêu định hướng để điều hành chính sách tiền tệ".

Tăng trưởng tín dụng tới 21/12 đạt 10,14% - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu trong họp báo. (Ảnh: SBV).

Trước những khó khăn do COVID-19 gây ra, NHNN đã chủ động điều hành hợp lí tốc độ tăng trưởng tín dụng phù hợp với mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Tại họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN Việt Nam là một trong những ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực. 

Tính chung từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã ba lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 - 2,0%/năm lãi suất điều hành, giảm 0,6 - 1 điểm % trần lãi suất tiền gửi, giảm 1,5 điểm % trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên.

Nhờ đó, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1 điểm %/năm so với cuối năm 2019.

Để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch, ngành ngân hàng đã vào cuộc rất sớm và ban hành hai văn bản quan trọng là Thông tư 01 và Chỉ thị 02 chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thơi, tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa.

Tính đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với dư nợ gần 355.000 tỉ đồng; miễn giảm lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng. Cùng với đó là chương trình miễn giảm phí dịch vụ thanh toán ước giảm 1.004 tỉ đồng sau hai đợt giảm phí.

H. Trang