|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng GDP là chỉ số đi sau, không cảnh báo tương lai, vậy cần quan tâm những dấu hiệu nào?

11:51 | 28/03/2023
Chia sẻ
Tăng trưởng GDP là chỉ số đi sau, không cảnh báo những diễn biến trong những tháng sắp tới, sức khỏe nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào các dấu hiệu thông qua chỉ số sản xuất công nghiệp và tăng trưởng lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Nhiều chuyên gia mới đây cũng nhận định tăng trưởng quý I sẽ rất thấp. 

Theo chuyên gia kinh tế Long Phan, CEO của AFA Group, tăng trưởng GDP là chỉ số đi sau, không cảnh báo những diễn biến trong những tháng sắp tới, sức khỏe nền kinh tế phụ thuộc vào các dấu hiệu thông qua các chỉ số cảnh báo. Với kinh tế Việt Nam, hai chỉ số cảnh báo quan trọng là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) và tăng trưởng lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Đồng quan điểm, CEO AFA Capital Nguyễn Minh Tuấn cũng cho rằng hai chỉ số trên rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của người dân. Ông Tuấn nhắc lại trong nền kinh tế Việt Nam, GDP được tính bằng phương pháp sản xuất. Vì thế việc Việt Nam sản xuất bao nhiêu hàng hóa công nghiệp là điều vô cùng quan trọng.

So sánh chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm trong giai đoạn 12 năm trở lại đây (tính từ năm 2012 khi chính thức quy định 2010 là năm gốc để tính các chỉ tiêu thống kê theo giá so sánh), năm 2023 là lần đầu tiên chỉ số này ghi nhận sụt giảm (-6,3%) so với cùng kỳ.

Hai tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên chỉ số sản xuất công nghiệp sụt giảm. 

Điểm tích cực duy nhất là Chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 2 ghi nhận mức 51,2 điểm. Sự hồi phục trở lại của sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và nhân công là các yếu tố đã hỗ trợ cho chỉ số PMI ngành sản xuất tăng trở lại.

Dù vậy,  diễn biến tăng này một phần mang tính chất mùa vụ khi so sánh với mức nền thấp của tháng trước. Các số liệu trong tháng 3 sẽ phản ánh chính xác hơn về tình hình sản xuất thực tế. 

Nhìn chung, ngành sản xuất công nghiệp trong năm 2023 vẫn còn gặp khó khăn với triển vọng xuất khẩu có phần u ám, tăng trưởng của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ hay châu Âu kém tích cực. Thêm vào đó, áp lực về lạm phát vẫn còn lớn có thể tác động tới nhu cầu đặt hàng của các doanh nghiệp, qua đó tác động tiêu cực tới tình hình sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

Với lĩnh vực xuất khẩu, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, hai tháng đầu 2023, xuất khẩu giảm 10% so với cùng kỳ, là lần thứ hai trong 15 năm qua (lần đầu vào năm 2010 với mức giảm 1,2%). Lĩnh vực quan trọng này của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2023 cũng ghi nhận tăng trưởng âm ở tất cả các thị trường chính.

Trong khi đó, nhập khẩu hai tháng đầu năm cũng giảm 16,7%.  Cần lưu ý rằng quý đầu năm thường là thời điểm các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu để chuẩn bị cho sản xuất và các đơn hàng xuất khẩu trong năm, việc nhập khẩu vẫn đang giảm mạnh cũng cho thấy triển vọng xuất khẩu vẫn chưa quá khả quan.  

 Xuất khẩu hai tháng đầu năm lần thứ hai tăng trưởng âm từ 2009 đến nay. 

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết 15/3, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 62,94 tỷ USD, giảm 10,8%; tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 60 tỷ USD, giảm 15,2% so với cùng kỳ.

Trong đó, một số nhóm hàng xuất khẩu giảm mạnh như: hàng dệt may giảm 1,27 tỷ USD, tương ứng giảm 18%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 963 triệu USD, tương ứng giảm 30,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 906 triệu USD, giảm 8,9%; điện thoại các loại & linh kiện 577 triệu USD, tương ứng giảm 5%,... so với cùng kỳ năm 2022.   

Như vậy các số liệu đều cho thấy sản xuất công nghiệp và xuất khẩu yếu đi, dự báo triển vọng kém, khó có thể là động lực cho kinh tế năm nay.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam, trong bối cảnh này, kinh tế vẫn sẽ có sự tăng trưởng nhờ được bù đắp từ giải ngân đầu tư công.

“Năm nay, nếu chi được 90% của 31 tỷ USD vốn đầu tư công sẽ bù đắp được việc xuất nhập khẩu tăng chậm”, ông nói.

Ngoài ra, nếu như hoạt động dịch vụ và sức mua của thị trường nội địa vẫn tiếp tục đà phục hồi thì cũng sẽ là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.

Theo ông Thành, sự phục hồi chắc chắn sẽ tiếp tục ở khu vực dịch vụ, đặc biệt là khi sắp tới sẽ có thêm tác động từ khách du lịch Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn về việc giữ được sự phục hồi của sức mua nội địa. Bởi nếu xuất khẩu và công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục yếu, công nhân khu công nghiệp tiếp tục bị cắt giảm giờ làm dẫn đến thu nhập giảm thì sức mua của người lao động khu công nghiệp cũng cũng sẽ bị yếu đi.    

Anh Đào