Tâm điểm vĩ mô: Đi tìm ngành phục hồi trước tiên
Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu về kinh tế Việt Nam trong tháng 7 với một số điểm chú ý như lạm phát tháng 7 tăng nhẹ (2,1% so với cùng kỳ và 0,5% so với tháng 6) chủ yếu do ảnh hưởng của giá điện sinh hoạt được điều chỉnh tăng từ ngày 4/5.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện nhẹ so với mức tăng 6,5% so với cùng kỳ trong tháng 6.
Trong tháng 7/2023, chỉ số IIP toàn ngành tăng 3,7% so với cùng kỳ và 3,9% so với tháng trước. Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ.
Hôm qua, S&P Global cũng công bố chỉ số PMI tháng 7 của Việt Nam. Dù PMI ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 7 vẫn dưới ngưỡng 50 điểm, nhưng cải thiện đáng kể so với tháng 6 (tăng lên 48,7 điểm trong tháng 7, so với mức 46,2 điểm của tháng 6).
S&P Global đánh giá ngành sản xuất của Việt Nam đã có dấu hiệu cho thấy sự ổn định khi sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm giảm chậm hơn, trong khi niềm tin kinh doanh đã tăng.
Xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện tăng mạnh so với cùng kỳ
Nhận định chung về bức tranh kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên Học viện Tài chính) cho hay một số chỉ số đang tốt dần lên so với tháng trước.
Lĩnh vực xuất nhập khẩu tiếp tục xu hướng giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên điểm sáng là giá trị xuất khẩu tháng 7 của mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 32%). 4 tháng trước đó, mặt hàng này liên tiếp tăng trưởng âm.
Một số mặt hàng chủ lực như giày dép, dệt may, gỗ, thủy sản tiếp tục giảm so với cùng kỳ, nhưng điểm tích cực là đà giảm thu hẹp qua các tháng.
Dự báo thời gian tới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay ngành nông, thủy sản khả năng sẽ phục hồi sớm nhất; dệt may, ngành gỗ vẫn gặp khó khăn do nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào của ngành này vẫn ở mức thấp (nhập khẩu vải giảm 12,8% trong tháng 7 so với cùng kỳ). Một số mặt hàng nhập khẩu giảm còn có hóa chất (giảm 26,9% so với cùng kỳ); máy móc thiết bị (giảm 20,6%). Nhập khẩu chất dẻo cũng giảm khá sâu (giảm 29,5%), lớn hơn so với mức giảm 23,8% trong tháng 6.
Lưu ý diễn biến ở các nền kinh tế lớn
Do độ mở của nền kinh tế lớn, Việt Nam vẫn cần phải theo dõi kỹ các yếu tố bên ngoài trong nửa sau năm 2023.
Trong báo cáo mới đây, nhóm phân tích của Công ty Cổ phần FIDT cho hay "đây là giai đoạn gần đỉnh lãi suất của Fed và nguy cơ suy thoái cần phải theo dõi kỹ. Với các dữ liệu và đánh giá gần đây nhất thì nguy cơ suy thoái đã giảm so với các đợt đánh giá hồi tháng 3. Nếu theo dự phóng này, tác động đến Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục tiêu cực trong nửa cuối 2023 nhưng sẽ hồi phục sớm từ đầu năm 2024".
Về câu chuyện Trung Quốc, các chuyên gia của FIDTcho rằng kỳ vọng ngành bất động sản của nước này sẽ có chuyển biến tích cực hơn trong nửa cuối năm 2023.
FIDT nhấn mạnh đây là giai đoạn “nút thắt” của các nền kinh tế lớn. Nhà đầu tư nên chú ý nhiều hơn tới yếu tố quốc tế vào đầu quý IV khi các tác động chính sách đến kinh tế của các nước dần rõ hơn.