Tài trợ vốn theo chuỗi cung ứng: Doanh nghiệp, ngân hàng cùng 'than' khó
Tuy nhiên, hiện rất ít tổ chức tài chính ở Việt Nam cung cấp dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng hiện đại với quy mô lớn. Đây được coi như một cơ hội bị bỏ lỡ cho cả nhà cung cấp dịch vụ tài chính và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp, ngân hàng “than” khó
Lãi suất vay vốn cao làm gia tăng chi phí, giá thành sản phẩm, doanh nghiệp sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường. Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều - TTXVN
Theo một khảo sát công bố tháng 9/2019 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khoảng trống trong tài trợ thương mại trên toàn cầu hiện lên đến 1.500 tỷ USD.
Theo đó, có 45% hồ sơ vay vốn của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa đã bị từ chối. Đây là một thách thức toàn cầu, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực giảm nghèo ở các quốc gia.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng.
Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thịnh cho biết, ở Việt Nam các doanh nghiệp muốn tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng thường phải có tài sản thế chấp (chủ yếu là bất động sản), còn hình thức vay tín chấp trong chuỗi cung ứng hiện vẫn chưa phát triển.
Theo ông Thịnh, các doanh nghiệp nước ngoài được vay vốn với lãi suất rất thấp, nên việc trả chậm trong 3 – 6 tháng là bình thường.
Còn các doanh nghiệp Việt Nam phải vay với lãi suất lên tới 10%/năm, nếu chờ 3 – 6 tháng sau khi bán hàng mới được thanh toán thì không thể cầm cự nổi.
Thêm vào đó, lãi suất cao cũng làm gia tăng chi phí, giá thành sản phẩm, doanh nghiệp sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường. Do đó, vấn đề tiếp cận nguồn tài chính vẫn là bài toán khó của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Việc thiếu vốn lưu động và các dịch vụ ngân hàng tài trợ giao dịch như tài trợ chuỗi cung ứng đã phần nào ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận các đơn đặt hàng lớn hoặc phát triển mối quan hệ mới với các đối tác trong chuỗi giá trị.
Khi không có giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng, các nhà cung cấp và phân phối khó có thể tối ưu hóa quản lý vốn lưu động bằng cách chuyển đổi các khoản phải thu và hàng tồn kho thành tiền mặt và tiếp cận tín dụng với chi phí thấp hơn.
Thống kê của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) cho thấy, số lượng các đăng ký giao dịch bảo đảm bằng các khoản phải thu và hàng tồn kho chỉ chiếm khoảng 30% tổng số các đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam, thấp hơn đáng kể so với các thị trường phát triển hơn.
Ở góc độ ngân hàng thương mại, ông Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng cho rằng, các ngân hàng đều muốn mở rộng tài trợ vốn theo chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước chưa minh bạch về công bố thông tin sức khỏe tài chính.
Các công ty chưa niêm yết thì báo cáo tài chính chưa được kiểm toán độc lập nên độ tin cậy còn thấp. Do đó, các ngân hàng vẫn phải dựa nhiều vào tài sản đảm bảo khi cấp tín dụng, tài trợ thương mại.
Theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trường Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, việc kết nối, tài trợ vốn cho doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu luôn được ngành ngân hàng quan tâm và khuyến khích hệ thống tổ chức tín dụng chủ động mở rộng thực hiện.
Trong điều kiện các hình thức tài trợ tài chính khác chưa phát triển mạnh thì các ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đang là những đơn vị chính cung ứng các sản phẩm tài trợ vốn theo chuỗi cung ứng, đáp ứng phần lớn nhu cầu luân chuyển vốn của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay do số liệu, hệ thống thông tin tài chính của nhiều doanh nghiệp còn thiếu minh bạch, năng lực quản trị của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá hạn chế; cơ sở dữ liệu về khách hàng và sàn giao dịch điện tử ở các chuỗi cung ứng cũng chưa đầy đủ nên việc tài trợ chuỗi cung ứng, nhất là các chuỗi cung ứng toàn cầu, vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Cần vai trò của người tiên phong
Theo các chuyên gia, trong những năm gần đây, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục ghi nhận có sự tăng trưởng tích cực. Nhiều hiệp định thương mại tự do đã và sắp có hiệu lực đang mở ra cơ hội thị trường mới cho các doanh nghiệp trong nước.
Cơ hội dịch chuyển các ngành sản xuất hàng hóa ở các quốc gia sang Việt Nam khá lớn, động lực thị trường chuỗi cung ứng được đánh giá là mạnh mẽ nhất trong khu vực Đông Nam Á và có nhiều dư địa để phát triển.
Ngoài những khó khăn từ phía doanh nghiệp, ngân hàng, nền tảng phát triển thị trường này cũng đang gặp nhiều khó khăn thách thức.
Ông Jinchang Lai, Trưởng nhóm chuyên gia về lĩnh vực Tài chính và Cơ sở hạ tầng tài chính khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thị trường tài trợ chuỗi cung ứng ở Việt Nam chưa phát triển là do thiếu người đứng đầu, tiên phong trong việc phát triển lĩnh vực này.
Thêm vào đó, hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam phát triển còn khá khiêm tốn và thiếu định chế tài chính cho vay không nhận tiền gửi.
Đây là những định chế tài chính quan trọng góp phần thúc đẩy thị trường tài trợ chuỗi cung ứng phát triển bên cạnh hệ thống ngân hàng truyền thống.
Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, Việt Nam cần hình thành một hiệp hội về tài trợ chuỗi cung ứng để đứng ra hỗ trợ các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng kết nối, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, hoạt động này cần có sự khuyến khích, tham gia của Chính phủ nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận các sản phẩm tài trợ chuỗi cung ứng, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Theo ông Mohammad Mudasser, Trưởng nhóm Dịch vụ tư vấn vốn lưu động của PwC Việt Nam, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng Việt Nam vẫn chưa nhận thức đầy đủ về thị trường chuỗi cung ứng mà mới xem đây là một sản phẩm cho vay thông thường.
Do đó, để thúc đẩy thị trường này phát triển, các dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng, bao thanh toán phải được đưa vào các văn bản pháp luật hiện hành.
Việc minh bạch, luật hóa thị trường tài trợ chuỗi cung ứng sẽ giúp Việt Nam có cơ hội thúc đẩy doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Để thúc đẩy thị trường dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng, một số ngân hàng thương mại cũng cho rằng, cần phải xây dựng một nền tảng công nghệ đủ mạnh giúp xác thực công nợ thanh toán của người mua. Từ đó, hỗ trợ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kết nối vào chuỗi cung ứng hàng hóa.
Với sự hỗ trợ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), Tổ chức Tài chính quốc tế đang triển khai một dự án tư vấn thúc đẩy tài trợ chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa của Việt Nam.
Dự án này sẽ góp phần cải thiện khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng ngành, năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ tài trợ chuỗi cung ứng và nhận thức của các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.