|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tại sao người châu Âu muốn xóa sổ đồng euro?

17:36 | 23/04/2017
Chia sẻ
Cuộc thăm dò mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) cho thấy 25% người sử dụng đồng tiền chung euro đang muốn loại bỏ đồng tiền này.

Đồng euro được xem là biểu tượng thử nghiệm lâu dài nhất của một khu vực trong quá trình hội nhập kinh tế kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Tuy nhiên, đơn vị tiền tệ chung của 19 quốc gia EU giờ đây lại đang đứng trước đe dọa bị xóa sổ bởi chính người dân thuộc khu vực này. Dưới đây là một số lý do, theo tổng hợp từ CNN. Đồng euro không có danh tính quốc gia Alberto Bagnai, một học giả người Ý, cho rằng các nước châu Âu không giống nhau, vì vậy họ không nên sử dụng chung một loại tiền tệ. “Điểm cơ bản là bạn không thể có một đơn vị liên bang giữa các công dân từ những quốc gia có quá khứ và nền văn hóa khác nhau. Không có một nhà nước nào là “nhà nước châu Âu”, do đó không thể có tiền chung châu Âu”, ông Bagnai nói.

tai sao nguoi chau au muon xoa so dong euro
25% người sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Euro) muốn loại bỏ đồng tiền này

Cũng giống như Mỹ, các quốc gia ở châu Âu cũng có nơi giàu, nơi nghèo. Nhưng khác với Mỹ, khu vực đồng euro không có chính phủ trung ương để quyết định về chính sách chi tiêu, thuế và ngân sách quốc gia. “Mỹ là một đất nước, dù có sự chênh lệch kinh tế vùng miền nhưng họ có ý thức về một bản sắc chung. Trong khi đó, châu Âu lại ít có triển vọng thống nhất thành một hệ thống chính trị, vì các quốc gia giàu có như Đức sẽ vĩnh viễn kết thúc việc “chuyển tiền” cho các nước kém may mắn hơn trong khu vực”, ông Bagnai cho hay. “Ảo ảnh danh nghĩa kinh tế” Trong EU, tuy mỗi nước khác nhau có bản sắc văn hóa, chế độ chính trị khác nhau, nhưng sự phân chia sâu sắc này lại không phải lúc nào cũng rõ ràng như vậy về mặt kinh tế. Lãi suất mà Tây Ban Nha, Hi Lạp và Ý cần để trả cho chủ nợ giảm xuống đáng kể sau khi các nước này gia nhập EU. Điều đó khiến họ ngang bằng với thành viên giàu có hơn như Đức. “Các nhà đầu tư nhìn vào lãi suất danh nghĩa và nghĩ rằng Hi Lạp đã trở thành Đức. Đó là một ảo ảnh quang học về mặt kinh tế”, ông Bagnai nhận định. Sau đó cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra và các vết nứt trong liên minh tiền tệ bắt đầu lộ ra. Cụ thể, ở Tây Ban Nha, các nhà hoạch định chính sách không thể làm cho đồng euro rẻ hơn để chống lại sự sụp đổ của bong bóng bất động sản và khủng hoảng nợ. Thay vào đó, Madrid đã buộc phải giảm chi tiêu và thực hiện một chương trình thắt lưng buộc bụng làm ảnh hưởng tới mức sống của người dân. “Du lịch qua lại giữa các nước thành viên thuận tiện, phương tiện thanh toán dễ dàng, nhưng những lợi ích này không thể làm dịu các vấn đề mà đồng tiền chung gây ra. Tỷ lệ thất nghiệp 20% hiện nay ở Tây Ban Nha là kết quả trực tiếp của đồng euro”, Sergi Cutillas, nhà kinh tế học người Tây Ban Nha, cho hay. Bi kịch Hi Lạp Hi Lạp là một ví dụ điển hình về sự phân chia giữa các nước giàu có ở Bắc Âu và các nền kinh tế yếu kém hơn thuộc vùng ngoại vi lục địa. Đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ, Athens đã phải đồng ý với kế hoạch tài chính khắc khổ để đổi lấy các gói cứu trợ lặp đi lặp lại. Lương, lương hưu và chi tiêu của chính phủ cũng bị cắt giảm đáng kể. Fotis Panagiotopoulos, một công nhân tại Cảng vụ Athens, đã trải qua những hậu quả đầu tiên. Mức lương của ông giảm 50% kể từ đầu cuộc khủng hoảng Hi Lạp vào năm 2010. Vợ ông không thể tìm được một công việc ổn định. “Những gì chúng tôi đang phải trải qua ở Hi Lạp giống như một cái chết chậm chạp. Không có cách nào thoát ra trừ khi đất nước thoát khỏi chu kỳ nợ này. Chúng tôi chỉ muốn chắc chắn rằng, rồi sau này thế hệ con cái của chúng tôi sẽ có một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng với đồng euro, tôi không thấy làm cách nào để điều đó có thể xảy ra”, ông Panagiotopoulos nói. “Bong bóng euro” của Ireland

Thế giới sẽ không quên khi kinh tế Ireland phát triển mạnh mẽ trong những năm đầu của đồng euro, tăng trung bình 6,5% mỗi năm trong giai đoạn 1999 - 2007. Nhưng Keith Redmond, nha sĩ đồng thời là chính trị gia ở Dublin, đã nhìn lại những ngày tháng đó với nỗi sợ hãi. “Đó không phải là sự bùng nổ, đó là một bong bóng… một bong bóng tiền tệ euro. Khi bong bóng này vỡ tan, nó đã đưa hệ thống ngân hàng Ireland đến bờ vực sụp đổ khiến đất nước phải cắt giảm chi tiêu xuống mức tối đa. Tuy kinh tế Ireland đang hồi phục trở lại, nhưng lỗ hổng cơ bản từ đồng euro vẫn ở đó. Nếu không có sự kiểm soát đối với lãi suất, tất cả bi kịch trong quá khứ có thể xảy ra lần nữa. Chúng tôi không có sự linh hoạt trong hệ thống tiền tệ riêng để đối mặt với cú sốc”, ông Redmond lập luận. Chủ nghĩa dân tộc của Pháp Vincent Brousseau là một nhà kinh tế học người Pháp, nhưng với ông rắc rối từ đồng euro không hoàn toàn chỉ xảy ra về mặt kinh tế. Thay vào đó, Brousseau nhận thấy đồng tiền chung đang là mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia của Pháp. “Nó là một thứ gì đó dường như không thuộc về nước Pháp. Dù đồng euro được đánh giá cao hay bị đánh giá thấp cũng không quan trọng. Điều quan trọng là người Pháp phải được quyền đưa ra quyết định của riêng mình”, ông Brousseau nói. Được biết, Brousseau từng làm việc cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Song vài năm trở lại đây nhà kinh tế học này đã có sự thay đổi lớn về quan điểm đối với đồng tiền chung sau 15 năm làm việc tại hệ thống ngân hàng vốn là nơi đưa ra mức lãi suất chung cho 19 nước EU. “Khi tôi bắt đầu tại ECB, tôi tin tưởng sẽ có một châu Âu thống nhất. Nhưng tôi dần nhận ra rằng việc chuyển chủ quyền từ Pháp sang một “siêu cường châu Âu nào đó” là không tốt cho đất nước”, ông Brousseau cho hay. Các mối đe dọa đối với đồng euro được dự đoán là cấp tính nhất ở Pháp, khi người dân nước này chuẩn bị bỏ phiếu vòng đầu tiên cho cuộc bầu cử tổng thống mới, trong đó ứng viên tiềm năng Marine Le Pen tuyên bố muốn đưa Pháp ra khỏi liên minh tiền tệ.

Phương Anh

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.