|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tái cơ cấu: Các dòng chảy lớn đang rất chậm

10:17 | 10/09/2018
Chia sẻ
Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Nhìn thẳng, tránh ngộ nhận

“Chả nhẽ Việt Nam cứ mãi dựa vào FDI”. Những trăn trở đau đáu này lại một lần nữa được bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra tại hội thảo tham vấn: “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức.

tai co cau cac dong chay lon dang rat cham

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Bà Phạm Chi Lan cho rằng tăng trưởng dù đang ở mức cao, trung bình trên 6%, nhưng nếu loại trừ đi các nhân tố ngoại, GDP trong nước có thể gặp vấn đề. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm cách thúc đẩy và dựa vào nội lực… Cần phải nhìn thẳng vào những chỉ số thành tích, tránh ngộ nhận về những thứ không phải do tự Việt Nam làm ra.

Trong khi đó, xem xét tái cơ cấu dưới 2 góc độ: Một là, các nguồn lực do Nhà nước nắm và quản lý (đầu tư công, thu chi NSNN, đất đai - tài nguyên); Hai là vai trò của Nhà nước trong việc ban hành và bảo đảm thực thi luật pháp, thúc đẩy sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong dân cư… Luật sư Lê Văn Hà chỉ ra hàng loạt bất cập, trong đó nổi lên là thủ tục hành chính có quá nhiều với hơn 7.200 thủ tục mà thời gian tuân thủ thì kéo dài, chi phí tuân thủ đã tốn kém lại có xu hướng tăng…

Về ngân sách nhà nước, dù ghi nhận nhiều điểm tích cực cho thấy cải cách ngân sách bắt đầu có hiệu quả, đảm bảm sự bền vững cho nền tài chính công, nhưng theo PGS.TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính), vẫn còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, và đáng lo ngại nhất, phức tạp nhất, khó quản nhất là câu chuyện ngân sách địa phương.

Tất cả những bất cập nêu trên đang tác động xấu tới hoạt động của DN và là điểm nghẽn của tăng trưởng. Bởi vậy, song song với thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cần tiếp tục xử lý thực chất những điểm nghẽn trong nền kinh tế thông qua việc tìm kiếm, khai thác các động lực tăng trưởng mới.

Nhấn mạnh đất nước cần DN mạnh, cần người giỏi người tài đóng góp cho sự phát triển, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM thẳng thắn, hãy đừng để người giỏi ở Việt Nam ra đi, đừng để starup Việt Nam sang Singapore. Nếu trí tuệ những người Việt trong nước chưa được tận dụng thì đừng hy vọng nhiều vào tìm kiếm sự đóng góp của những người đang ở ngoài Việt Nam.

Chấm dứt dùng dằng “đang chuyển đổi”

Đánh giá lại nửa chặng đường tái cơ cấu, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, mặc dù chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện, cách thức tăng trưởng có thay đổi tích cực… song nhìn chung tái cơ cấu kinh tế vẫn đang được tiến hành khá chậm.

Thứ nhất, cách thức phân bổ nguồn lực chưa thay đổi, nguồn lực về cơ bản chưa được phân bố lại theo hướng nâng cao hiệu quả.

Thứ hai, các dòng chảy lớn trong nền kinh tế như chuyển nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, nông thôn sang thành thị, Nhà nước sang tư nhân hay khu vực chính thức thành phi chính thức… vẫn đang diễn ra rất chậm.

Thứ ba, các động lực tăng trưởng hiện hành đã tới hạn và suy giảm năng lượng nội sinh cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới.

Thứ tư, việc duy trì tăng trưởng cao và bền vững như mức tăng trưởng hiện tại là thách thức lớn nếu không thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, chỉ đạo điều hành phân bố, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực Nhà nước, và tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang ập đến, sự chuyển dịch chậm chạp này sẽ gây ra sức ỳ mới.

Tăng trưởng kinh tế giai đoạn vừa qua đã có dấu hiệu suy giảm, các động lực tăng trưởng hiện hành đã tới hạn và thậm chí có thể trở thành thách thức khó vượt qua nếu không có thay đổi mạnh về tư duy, cải cách thể chế, chỉ đạo điều hành phân bố, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và tạo cực tăng trưởng động lực cho nền kinh tế…

Bởi vậy, với Viện trưởng CIEM, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay phải nhìn ở vấn đề của một nền kinh tế thị trường đầy đủ hiện đại và cuộc CMCN 4.0. Ở giai đoạn này, phải dứt khoát chuyển đổi sang một nền kinh tế thị trường đầy đủ và hiện đại, kiên quyết chấm dứt giai đoạn chuyển đổi. Chỉ có “thị trường, thị trường và thị trường hơn” mới tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, phát triển.

Vì vậy, giải pháp ưu tiên CIEM đã đề xuất là hoàn thiện thể chế và phát triển thị trường các nhân tố sản xuất để các thị trường này đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bố sử dụng nguồn lực hiệu quả; đồng thời, đổi mới vai trò và cách thức quản lý nhà nước, trong đó, có đổi mới và thực hiện phân bố nguồn lực nhà nước theo cơ chế, nguyên tắc thị trường.

Phải thúc đẩy cạnh tranh, nếu không thì phân bố nguồn lực vẫn là xin - cho, bị chi phối bởi các nhóm lợi ích, sân sau - sân trước. Xin – cho và sân trước sân sau khiến cho DN nào đầu tư cho quan hệ thì có cơ hội, khiến đầu tư cho khoa học – công nghệ mới trở nên khó khăn và thua thiệt. Không có khoa học và công nghệ mới thì nền kinh tế vẫn bị kìm hãm. Với CMCN 4.0, cần suy nghĩ nhiều hơn, hành động nhiều hơn là tuyên bố khẩu hiệu.

Theo đánh giá của Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của CIEM phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), trong số 16 định hướng, chính sách lớn và 120 nhóm nhiệm vụ thực hiện ở cấp bộ ngành, chỉ có 25,8% nhiệm vụ đã triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ đã triển khai và chưa ra kết quả.

Xem thêm

Linh Linh