|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tách bạch hóa quyền chủ sở hữu và quyền quản lí nhà nước của 'siêu Ủy ban'

21:50 | 24/03/2020
Chia sẻ
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (Ủy ban) là một mô hình đặc thù với kì vọng để vốn nhà nước được quản lí và đầu tư hiệu quả, tách bạch chức năng quản lí nhà nước với chức năng kinh doanh.

Song sau hơn 1 năm thành lập, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vẫn đang hoạt động vô cùng khó khăn và còn lúng túng trong các hoạt động quản lý các doanh nghiệp thành viên.

Để có thêm góc nhìn  về vai trò và hoạt động của Ủy ban cũng như tìm các giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về mô hình của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Việt Nam hiện nay?

TS Nguyễn Đình Cung: Mô hình của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước như hiện nay với vai trò là nhà đầu tư vốn và thực hiện chuyên trách quyền chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và nó tách hẳn quyền chủ sở hữu và quyền quản lý nhà nước.

Đây là một bước tiến vì không còn một cơ quan vừa làm chức năng hoạch định chính sách, điều tiết, quản lý thị trường, lại vừa quyết định đầu tư, kinh doanh.

Mô hình của Ủy ban thực hiện những nhiệm vụ mang tính kỹ trị, đúng như thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Mô hình của Ủy ban hiện nay còn đồng thời tách hẳn quyền sở hữu với quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay mô hình này ở Việt Nam chưa làm được điều đó, vẫn chưa tách được quyền chủ sở hữu ra khỏi quản lý nhà nước. Nếu Ủy ban chỉ đơn thuần thực hiện chức năng quản lý nhà nước là khác biệt về bản chất. Ủy ban quản lý vốn Nhà nước cần tách được quyền chủ sở hữu với quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Phóng viên: Có phải do tiền lệ chưa từng có, đội ngũ nhân sự cũng hoàn toàn mới, không có kinh nghiệm, nên “siêu ủy ban” này gặp khó khăn trong quản lý không thưa ông?

TS Nguyễn Đình Cung: Mô hình Ủy ban này là một mô hình mới, đặc biệt trên thế giới, không có mô hình chung nào cả, mỗi quốc gia làm một kiểu.

Tóm lại chúng ta không có tiền lệ để học hỏi. Tất nhiên cái gì mới sẽ còn bỡ ngỡ, bỡ ngỡ ngay cả với những người được giao nhiệm vụ. Vì mô hình mới nên cán bộ chưa bao giờ được tôi luyện trong môi trường đó.

Đội ngũ cán bộ chưa chuyên nghiệp, chưa chuyên sâu nên hình dung công việc có thể chưa đầy đủ, cách thức xử lý công việc đó, cơ chế xử lý công việc đó có thể chưa đúng, chưa trúng.

Bên cạnh đó, đa số nhân sự lại được chuyển từ các quản lý nhà nước sang là chưa hợp lý vì những người này không có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp và quản lý hoạt động kinh doanh.

Phóng viên: Thưa ông, sau hơn 1 năm hoạt động những khó khăn của doanh nghiệp khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã bắt đầu bộc lộ. Vậy đâu là nguyên nhân?

TS Nguyễn Đình Cung: Như tôi đã nói ở trên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải là tổ chức đầu tư vốn chứ không phải đầu tư dự án. Ủy ban được phép đầu tư vốn vào các doanh nghiệp còn đầu tư như thế nào là quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

Vai trò của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước không phải dự án đầu tư mà là giao mục tiêu để doanh nghiệp thực hiện chứ không phải giao từng dự án.

Các mục tiêu giao cho doanh nghiệp có thể dựa trên các chỉ tiêu như: Tỷ lệ sinh lời, hệ số tài chính, cải thiện năng lực công nghệ, năng lực cạnh tranh…

Việc làm gì, đầu tư vào đâu để đồng vốn sinh lời và để đạt các chỉ tiêu được giao là việc của doanh nghiệp. Nếu Ủy ban phải gánh cả nhiệm vụ can thiệp đến từng dự án thì Ủy ban có cả nghìn người cũng không kham nổi.

Ví dụ, với vấn đề của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) (xin trở về Bộ chủ quản trước đây), nếu hiểu đúng làm đúng thì không có gì vướng mắc.

Theo như chủ trương trước đây, khi chuyển về doang nghiệp này về Uỷ ban, thì doanh nghiệp sẽ tách nhiệm vụ công ích ra khỏi phần kinh doanh. Hiện có cơ chế đấu thầu phần công ích chứ không chỉ là Nhà nước giao doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích.

Để giải quyết vấn đề này, cần có phương án xử lý toàn diện bằng việc sửa đổi, bổ sung quy định của các luật có liên quan để bảo đảm tính khả thi, thống nhất, đồng bộ trong việc thi hành pháp luật như sửa một số luật. Khi các luật chưa sửa được, điều mong chờ hiện này là Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc xử lý các vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp.

Phóng viên: Trong những nguyên nhân này, ông đánh giá như thế nào về cơ chế chính sách? Đây có phải là nguyên nhân chủ yếu không?

TS Nguyễn Đình Cung: Phải nói rằng, hoạt động của doanh nghiệp khó khăn từ khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, vướng mắc đầu tiên vẫn là cơ chế chính sách.

Cho đến nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vẫn thiên về đầu tư dự án, nên bất cứ dự án nào của doanh nghiệp vẫn phải xin đủ các ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước, đủ các cửa. Như vậy, quy trình vẫn mang tính quản lý hành chính nhà nước.

Chính vì vậy, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nếu không tách bạch rõ vai trò của mình thì hoạt động quản lý sẽ không hiệu quả và trở nên không cần thiết. Vì nếu Ủy ban mang danh quản lý nhà nước thì trước nay vẫn thế.

Chức năng  của Ủy ban cần tách khỏi các bộ quyền chủ sở hữu và chỉ chuyên trách tập trung chuyên nghiệp thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp với tư cách là người đầu tư vốn. Có như vậy mới giải quyết các bất cập hiện nay.

Phóng viên: Theo ông, cần có giải pháp gì để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn?

TS Nguyễn Đình Cung: Đầu tiên cần tách chức năng chủ sở ra khỏi chức năng đầu tư, sửa lại các nghị định về hoạt động của nhà nước và ban hành một nghị định về hoạt động doanh nghiệp nhà nước thay thế các nghị định khác.

Cần mở quyền tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước đúng nghĩa như doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải có đủ năng lực của người đầu tư vốn. Khi nắm quyền tự chủ thì Uỷ ban sẽ bớt việc và làm tốt việc ấy.

Thứ hai, cần có một cơ chế tài chính riêng cho Uỷ ban.  Ủy ban không phải là nhà đầu tư nhỏ mà là nhà đầu tư lớn với nhiều tỷ USD. Chính vì vậy, những người làm việc đây phải ngang với các CEO ở các tập đoàn, công ty đa quốc gia thì mới có đủ năng lực điều hành và quản lý được.

Để tuyển dụng được người tài có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp phải có cơ chế tài chính cho Ủy ban. Không thể tuyển dụng như tuyển công chức nhà nước, có như thế mới thu hút được người kinh doanh chuyên nghiệp, thu hút được người giỏi có kiến thức chuyên môn sâu về quản lý và điều hành doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn ông!


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Quốc Huy