Sức cầu dự báo vẫn hồi phục chậm do các tác động từ lạm phát, lãi suất trong nửa đầu năm 2023
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán Agribank (Agriseco) đã có những đánh giá chung về tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm.
Cụ thể, sau tháng 1 với sự kiện Tết âm lịch, các số liệu vĩ mô đã có sự tăng trưởng tốt tại nhiều khía cạnh. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại sau ba tháng và sản lượng sản xuất cải thiện, các chỉ số dự báo kinh tế như PMI, IIP cũng cho thấy sự phục hồi.
Tuy nhiên, theo Agriseco bức tranh kinh tế 2023 dự kiến vẫn đối diện nhiều thách thức từ cả yếu tố trong và ngoài nước khi sức mua trong nước yếu, thắt chặt chi tiêu toàn cầu.
Theo đó, hai động lực tăng trưởng kinh tế chính là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước khả năng vẫn khó khăn trong các tháng tới.
Hai tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 994.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022.
"Tổng mức bán lẻ, tiêu dùng tăng cao hơn so với giai đoạn trước COVID chủ yếu do doanh thu các dịch vụ lưu trú ăn uống du lịch phục hồi do nhu cầu Tết. Sức cầu dự báo vẫn hồi phục chậm do các tác động từ lạm phát, lãi suất trong nửa đầu năm", Agriseco nhận định.
Về xuất khẩu 2 tháng đầu năm, hoạt động thương mại tiếp tục suy giảm trong 2 tháng đầu năm cho thấy khó khăn từ thị trường nước ngoài tiếp diễn. Các mặt hàng xuất khẩu lớn như máy vi tính, điện tử; gỗ; xơ sợi dự báo tiếp tục giảm do số lượng đơn đặt hàng mới giảm tại các thị trường đối tác chính Mỹ, EU và gia tăng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu khi Trung Quốc mở cửa. Các mặt nông sản, cao su dự kiến tăng trưởng khả quan trong nửa cuối năm nếu nhu cầu Trung Quốc hồi phục hoàn toàn.
Các chuyên gia tại đây cũng cho biết áp lực lạm phát đã hạ nhiệt và duy trì ổn định khi sức cầu đang yếu và cả năm 2023 dự báo đạt 4,5% theo mục tiêu của Chính phủ đề ra. Tuy nhiên cũng cần lưu ý đến yếu tố giá cả các hàng hóa cơ bản (điện, y tế) dự báo tăng sẽ tác động đến lạm phát.
Ngoài ra, trong trường hợp các dự án đầu tư công không đạt hiệu quả như kỳ vọng cũng có thể tạo áp lực lên lạm phát.
Năm 2023, Agriseco kỳ vọng yếu tố đầu tư công và đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều khả năng sẽ trở thành nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng khi các động lực khác (xuất khẩu, tiêu dùng) đang có những khó khăn nhất định.