|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Sức ảnh hưởng lớn của công ty gia đình trên thị trường chứng khoán Việt Nam và nỗi lo 'làm mới mình' thời hội nhập

07:45 | 23/05/2019
Chia sẻ
Mặc dù được đánh giá hoạt động kinh doanh hiệu quả và ổn định về tài chính, nhưng các công ty gia đình tại Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề về tái cấu trúc. Điển hình là tái cấu trúc về vốn và bộ máy tổ chức.

19 công ty gia đình có vốn hóa trên 10.000 tỉ đồng trên TTCK Việt Nam

Tại Tọa đàm Tái cấu trúc Doanh nghiệp gia đình Việt Nam được tổ chức mới đây, ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) đã có những chia sẻ về tình hình của các công ty gia đình tại Việt Nam.

Thế nào là công ty gia đình?

Theo ông Tuất, công ty gia đình thỏa mãn những tiêu chí về người sáng lập sở hữu và điều hành như người sáng lập sở hữu cổ phần chi phối nhưng không trực tiếp điều hành; người sáng lập không sở hữu cổ phần chi phối nhưng tiếp tục điều hành; các công ty nhà nước cổ phần hóa trên 10 năm thuộc sở hữu của một cá nhân hoặc gia đình.

Số liệu thống kê từ 352 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có doanh thu trên 1.000 tỉ đồng giai đoạn 2017 – 2018 cho thấy có 103 doanh nghiệp là công ty gia đình. Trong số công ty gia đình, có 19 đơn vị có vốn hóa trên 10.000 tỉ đồng, 10 doanh nghiệp gia đình vốn hóa từ 5.000 – 10.000 tỉ đồng, nhóm vốn hóa dưới 5.000 tỉ đồng.

Sức ảnh hưởng lớn của công ty gia đình trên thị trường chứng khoán Việt Nam và nỗi lo làm mới mình thời hội nhập - Ảnh 1.

Nguồn: P&Alliances Incorporation

Tại nhóm doanh nghiệp nhà nước nắm cổ phần chi phối và có người đại diện điều hành (công ty nhà nước) có 9 doanh nghiệp với vốn hóa trên 10.000 tỉ đồng, 14 doanh nghiệp vốn hóa từ 5.000 – 10.000 tỉ đồng và 128 doanh nghiệp vốn hóa dưới 5.000 tỉ đồng.

Nhóm công ty nhà nước không còn chi phối và điều hành trong 10 năm trở lại đây (công ty cổ phần hóa, thống kê cho thấy chỉ có 2 doanh nghiệp với vốn hóa trên 10.000 tỉ đồng. Số còn lại là 1 công ty vốn hóa từ 5.000 – 10.000 tỉ đồng và 52 đơn vị với vốn hóa dưới 5.000 tỉ đồng.

Tại nhóm công ty sở hữu khác, chỉ có 1 doanh nghiệp niêm yết với quy mô vốn hóa trên 10.000 tỉ đồng, trong khi có đến 41 công ty có vốn hóa dưới 5.000 tỉ đồng.

Như vậy, số lượng công ty gia đình có vốn hóa trên 10.000 tỉ đồng là lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Các công ty gia đình đang kinh doanh ra sao?

Theo số liệu phân tích từ P&Alliances Incorporation, tốc độ tăng trưởng của nhóm công ty gia đình cao hơn so với nhóm công ty nhà nước, công ty nhà nước không còn nắm cổ phần chi phối trong 10 năm trở lại đây và nhóm các công ty thuộc sở hữu khác.

Sức ảnh hưởng lớn của công ty gia đình trên thị trường chứng khoán Việt Nam và nỗi lo làm mới mình thời hội nhập - Ảnh 2.

Nguồn: P&Alliances Incorporation

Cụ thể, nhóm công ty gia đình có tỉ lệ tăng trưởng doanh thu đạt 28,98% trong năm 2018, trong khi tỉ lệ này của cổ ty nhà nước là 11,02%, công ty cổ phần hóa (5,62%) và công ty thuộc sở hữu khác (11,69%).

Đáng chú ý, cũng theo số liệu thống kê từ tổ chức này cho thấy nhóm công ty gia đình có xu hướng vay nợ ít sơn và ổn định hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác. Cụ thể, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của các công ty gia đình đều thấp nhất so với các nhóm công ty khác trong giai đoạn 2010 – 2018. Năm 2018, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của các công ty gia đình là 1,68 lần trong khi công ty nhà nước (2,86 lần), công ty cổ phần hóa (2,17 lần) và công ty thuộc sở hữu khác (2,01 lần).

Sức ảnh hưởng lớn của công ty gia đình trên thị trường chứng khoán Việt Nam và nỗi lo làm mới mình thời hội nhập - Ảnh 3.

Nguồn: P&Alliances Incorporation

Nói thêm về tình hình của các công ty gia đình, theo ông Phan Đăng Tuất, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB), các công ty gia đình ở Việt Nam chủ yếu 'chết' vì thị trường, không phải yếu tố tài chính. Luận giải thêm, các công ty gia đình ở Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, nên khó bền lâu hơn các doanh nghiệp gia đình có yếu tố công nghệ cốt lõi như ở quốc gia khác.

Những nỗi lo trong công ty gia đình

Mặc dù được đánh giá về ổn định về mặt tài chính và có sự tăng trưởng doanh thu tốt hơn các nhóm công ty khác, các công ty gia đình tại Việt Nam lại phải đối mặt với nỗi lo về thế hệ kế nghiệm, sự canh tranh trên thị trường…

Theo ông Nguyễn Quốc Thái, người sáng lập Thép Thái Hưng, doanh nghiệp gia đình tại Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn khi Việt Nam hội nhập sâu rộng.

"Chúng ta là doanh nghiệp nhỏ, thuyền con đi cạnh thuyền lớn, khó khăn lắm chứ!", ông Thái đánh giá.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Thái, doanh nghiệp gia đình cần 'làm mới' mình vì xã hội phát triển nên các công ty gia đình cần phải tái cấu trúc để phát triển.

Sức ảnh hưởng lớn của công ty gia đình trên thị trường chứng khoán Việt Nam và nỗi lo làm mới mình thời hội nhập - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Thép Thái Hưng

"Nội dung về tái cấu thúc rất đa dạng. Có doanh nghiệp tái cấu trúc một phần hoặc toàn phần. Nhưng theo quan điểm của tôi, tái cấu trúc thứ nhất là về tổ chức, bộ máy. Vừa rồi, tôi sáp nhập công ty, mua bán cổ phần, thực chất đó là tái cấu trúc. "Ba cây chụm lại lên hòn núi cao", nên phải tái cấu trúc. Thứ hai là tái cấu trúc về vốn. Nội dung tái cấu trúc phải có hai vấn đề.", ông Thái nhấn mạnh.

Thép Thái Hưng có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. Đây là doanh nghiệp do bà bà Nguyễn Thị Cải và chồng là ông Nguyễn Quốc Thái xây dựng. Đến năm 2015, quyền lực tại Thái Hưng được chuyển giao cho những người con: ông Nguyễn Văn Tuấn đảm nhận Chủ tịch HĐQT và bà Nguyễn Thị Vinh (vợ ông Lê Hồng Khuê – Chủ tịch HĐQT VIS) là Tổng giám đốc. Ông Thái và bà Cải giữ chức danh thành viên sáng lập.

[Bài tiếp theo] Chuyển giao quyền lực tại Thép Thái Hưng – doanh nghiệp gia đình trong ngành thép tại Việt Nam.

Phan Quân