Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 28/6 - 2/7: Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 6, OPEC nhóm họp
Theo Investing.com, trong tuần này, báo cáo việc làm của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là sự kiện quan trọng nhất, đặc biệt là trong bối cảnh nhà đầu tư đang hy vọng thị trường lao động sẽ cải thiện sau hai tháng tăng trưởng việc làm yếu hơn dự đoán.
Cuộc họp của các bộ trường dầu mỏ OPEC+ cũng là một sự kiện đáng chú ý. Các nhà đầu tư tin tưởng rằng liên minh dầu mỏ sẽ tăng thêm sản lượng khi triển vọng nhu cầu phục hồi.
Ngoài ra, thị trường ngoại hối còn có thể theo dõi các dữ liệu lạm phát của khu vực đồng tiền chung euro và các dữ liệu kinh tế khác của chính phủ Mỹ.
Investing.com đã tổng hợp một số thông tin có thể tác động đến giao dịch ngoại hối tuần này như sau:
1. Báo cáo việc làm tháng 6
Báo cáo việc làm tháng 6 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 2/6 tới. Theo dự đoán của các chuyên gia, trong tháng vừa qua, nền kinh tế Mỹ có thể đã tạo thêm khoảng 675.000 việc làm mới, giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 5,8% xuống còn 5,7%.
Giữa lúc nhiều người còn lo ngại về áp lực lạm phát và tốc độ phục hồi của nền kinh tế, nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi thêm các số liệu thống kê khác về thị trường lao động như tăng trưởng tiền lương và thành phần lực lượng lao động.
Tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell một lần nữa khẳng định ngân hàng trung ương này sẽ nâng đỡ để thị trường lao động phục hồi sâu rộng hơn.
Dù vậy, ông lưu ý rằng vẫn còn một chặng đường khá dài trước khi thị trường lao động có tiến triển mới và chính phủ vẫn cần phải hỗ trợ thêm.
2. Dữ liệu kinh tế của Mỹ
Trước bản báo cáo việc làm tháng 6, các nhà đầu tư có thể theo dõi thông tin cập nhật về doanh số nhà chờ bán, số liệu việc làm sơ bộ của công ty cung cấp dữ liệu ADP, số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần và chỉ số hoạt động sản xuất của Viện Quản lý Nguồn cung Mỹ (ISM).
Chuỗi cung ứng hàng hóa của Mỹ cũng như của toàn thế giới đang phải đối mặt với áp lực lớn, chi phí sản xuất và áp lực lạm phát do đó cũng tăng cao. Các chuyên gia cho rằng, dữ liệu của ISM có thể cho thấy rõ những căng thẳng mà chuỗi cung ứng đang phải chịu đựng.
Ngoài ra, trong tuần này, một số quan chức Fed cũng sẽ có bài phát biểu trước công chúng. Các cái tên nổi bật có thể kể đến Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Barkin và Phó Chủ tịch Fed Randal Quarles.
3. OPEC+ nhóm họp
Liên minh dầu mỏ OPEC+ sẽ tổ chức họp trong nhiều ngày tới để xem xét tình hình thị trường năng lượng toàn cầu, trước khi bước vào cuộc họp chính thức vào ngày 1/7.
Giới chuyên gia dự đoán, kết thúc cuộc họp quan trọng, OPEC+ sẽ quyết định tăng sản lượng vì triển vọng nhu cầu dầu thô đang tiếp tục khởi sắc. Đáng chú ý, hôm 25/6 vừa qua, giá dầu thô đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Ông Edward Moya, nhà phân tích cao cấp của công ty tư vấn OANDA, cho hay: "Giá dầu thô tăng do nhu cầu ngày càng cải thiện. Ngoài ra, thị trường còn tin rằng nguồn cung dầu thô sẽ tiếp tục bị siết chặt vì OPEC+ sẽ chỉ tăng sản lượng một cách khiêm tốn. Đây cũng là một yếu tố tác động tới giá dầu".
4. Lạm phát của Eurozone
Khối kinh tế chung sẽ công bố số liệu lạm phát tháng 6 vào ngày 30/6, giữa lúc các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia kinh tế vẫn tiếp tục tranh luận về việc giá hàng hóa tăng cao.
Tháng 5 vừa qua, lạm phát của khu vực đồng euro đã tăng vượt ngưỡng mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Song, kinh tế trưởng Philip Lane của ECB cho rằng áp lực lạm phát chỉ là tạm thời.
Dù vậy, các thành viên khác trong hội đồng quản trị của ECB đã bắt đầu công khai xem xét đến một khả năng khác, đó chính là giá cả hàng hóa nhảy vọt thời gian gần đây có thể trở thành một xu hướng dài hạn.