Sự điên loạn của thị trường tài chính: Lợi suất trái phiếu Hy Lạp còn thấp hơn trái phiếu Mỹ
Trái phiếu Hy Lạp liên tục tăng giá (đồng nghĩa với giảm lợi suất) trong một tuần vừa qua, hệ quả là giờ đây lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp kì hạn 5 năm còn thấp hơn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cùng kì hạn.
Diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ (đường màu xanh) và Hy Lạp (đường màu trắng) cùng kì hạn 5 năm. Nguồn: Bloomberg.
Ông Albert Edwards – chiến lược gia tại Ngân hàng Societe Generale SA gọi đây là "Bằng chứng thuyết phục nhất về sự điên loạn đang lan tràn trên các thị trường tài chính quốc tế".
Hy Lạp hiện là quốc gia nặng nợ nhất Châu Âu tính theo tỉ lệ nợ/GDP. Trái phiếu nước này được hãng xếp hạng tín nhiệm Mood's đánh giá ở mức B1 với triển vọng Ổn định. Trong khi đó Mỹ là siêu cường kinh tế số 1 thế giới, tỉ lệ nợ/GDP thấp hơn nhiều so với Hy Lạp, đang được Moody's xếp hạng cao nhất trong thang đánh giá là Aaa.
Vậy mà lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp lại thấp hơn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cho rằng trái phiếu chính phủ Hy Lạp an toàn hơn trái phiếu chính phủ Mỹ!
Lợi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp giảm mạnh từ hôm thứ 6 tuần trước (5/4), sau khi các bộ trưởng tài chính khu vực eurozone đồng ý giải ngân thêm gần 1 tỉ euro nữa để hỗ trợ Hy Lạp trong thời kì hậu giải cứu.
Để nhận được khoản tiền này, chính phủ Hy Lạp phải đáp ứng điều kiện tôn trọng các cam kết cải cách của mình, đặc biệt là đối với luật thu hồi nợ xấu của ngân hàng nhằm giảm gánh nặng nợ xấu trên bảng cân đối kế toán các ngân hàng Hy Lạp.
Hy Lạp kết thúc gói giải cứu cuối cùng vào tháng 8 năm ngoái sau 8 năm nhận hỗ trợ tài chính từ các chủ nợ eurozone và Quĩ Tiền tệ Quốc tế. Nước này cũng đã có thể tham gia thị trường tài chính trở lại. Khoản hỗ trợ 1 tỉ euro lần này là một phần trong gói 4,8 tỉ euro mà các chủ nợ khu vực eurozone cam kết cho Hy Lạp tới năm 2022, với điều kiện chính phủ nước này tiếp tục cải cách.
Một phần của số tiền này đến từ lợi nhuận mà các ngân hàng trung ương khu vực eurozone có được từ nắm giữ trái phiếu Hy Lạp đang dần đáo hạn.