Startup Anh biến bã cà phê thành xăng sinh học
Bio-bean, startup công nghệ sinh học của Anh đã hợp tác với tập đoàn xăng dầu Shell (RDSB) và Argent Energy để tạo ra một loại nhiên liệu sinh học từ cà phê được sử dụng trong xe buýt diesel của London.
Tính đến cuối năm 2017, công ty đã sản xuất 6.000 lít dầu cà phê cho dự án thí điểm với cơ quan vận tải London. Mức này đủ dùng cho một chiếc xe buýt chạy trong thành phố trong vòng một năm.
"Đây là một ví dụ về những gì mà các loại phế phẩm, thực chất là nguồn tài nguyên chưa được con người khai thác triệt để có thể làm được", Arthur Kay, nhà sáng lập Bio-bean cho biết.
Startup này thu gom bã cà phê đã qua sử dụng từ các nhà hàng, quán ăn, nhà máy rồi vận chuyển đến cơ sở tái chế. Tại đây, cà phê được sấy khô trước khi chiết tách lấy dầu. Dầu cà phê sau đó được pha trộn với các thành phần khác để tạo ra nhiên liệu sinh học B20, có thể được sử dụng trong xe buýt diesel mà không cần phải điều chỉnh gì thêm.
Dầu cà phê được chiết tách từ bã trở thành nhiên liệu sinh học xăng cho xe buýt. Ảnh: Bio-bean. |
"Cà phê đã qua sử dụng rất giàu năng lượng và chứa các hợp chất có giá trị. Điều này khiến chúng trở thành nguyên liệu lý tưởng để sản xuất nhiên liệu sạch", Arthur Kay nói. Công ty ước tính Anh sản xuất khoảng 500.000 tấn cà phê mỗi năm. Phần lớn bã cà phê sau khi sử dụng bị bỏ đi ở các bãi chôn lấp, nơi chúng có thể thải ra các loại khí nhà kính độc hại.
Bio-bean cũng bán các thanh gỗ ép từ cà phê, có thể sử dụng để đốt trong lò sưởi và bếp lò thay vì gỗ tròn. Startup này cho biết hiện vẫn chưa có thỏa thuận chính thức nào để thành phố tiếp tục sử dụng dầu cà phê hay không. Vì vậy, công ty hy vọng sẽ nhanh chóng tìm được thị trường cho xăng sinh học và những cách ứng dụng mới cho sản phẩm.
"Dự án này có rất nhiều tiềm năng để mở rộng phát triển ở Mỹ - quốc gia uống cà phê nhiều nhất hành tinh với 400 triệu tách mỗi ngày", startup cho biết.