SSI Research: Mục tiêu hạ thâm hụt ngân sách xuống 3,5% GDP năm 2017 hoàn toàn trong tầm tay
Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn vừa ra báo cáo nhận định kinh tế vĩ mô 2017. Theo đó, tháng 10/2016, Quốc hội thông qua kế hoạch cải cách kinh tế tới 2020 của Chính phủ mới. Theo đó, thâm hụt ngân sách năm 2020 giảm còn 3,5% GDP và nợ công không vượt quá 65% GDP (nợ chính phủ không vượt quá 54% GDP và nợ nước ngoài không vượt quá 50% GDP).
Đồng thời, Quốc hội cũng thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn trị giá 89 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.
Theo SSI Research, những hạn chế tài chính có thể được gói gọn bằng 4 điểm sau:
- Về chi tiêu ngân sách: Chi tiêu tiêu dùng chiếm hơn 80% ngân sách chính phủ trong những năm qua. Các khoản dành cho đầu tư phát triển chiếm chưa đầy 20% (19,8% trong năm 2015 và 17% trong 9 tháng đầu năm 2016).
- Về doanh thu: các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và các ưu đãi đầu tư FDI đồng nghĩa với việc doanh thu từ thuế và các nguồn khác từ doanh nghiệp giảm. Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết cũng làm giảm khoản thu nhập từ thuế nhập khẩu. Các khoản thuế nên được theo dõi chặt chẽ bởi 90% doanh thu ngân sách là từ tiền thu thuế và phí.
- Các mối quan tâm khác bao gồm:
a. Doanh thu liên quan tới dầu thô giảm: Thông thường, dầu thô và các sản phẩm liên quan đóng góp 10% doanh thu ngân sách. Tuy nhiên, sự sụt giảm của giá dầu trong hơn 2 năm qua đẩy tỷ trọng xuống mức 7,4% trong năm 2015 và chỉ còn 3,9% trong 10 tháng đầu năm nay.
b. Đồng VNĐ mất giá tác động tới việc chi trả các khoản vay nước ngoài: Nợ nước ngoài của Việt Nam năm 2015 ước tính đạt 43% GDP. Trong đó, 40% các khoản nợ bằng đồng Yên, 25% bằng đồng USD, 15% bằng đồng Euro và 20% bằng các đồng tiền khác. Với khoản nợ gốc khoảng 2 tỷ USD vào thời điểm này và có thể tăng lên 3-4 tỷ USD trong những năm tới, SSI Research quan tâm hơn tới sự mất giá của đồng Yên hơn sự tăng giá của đồng USD. Diễn biến tỷ giá trong tháng 11 đang diễn ra theo hướng có lợi cho Việt Nam. Các khoản nợ bằng đồng USD tăng 1,76% nhưng các khoản nợ bằng đồng Yên và đồng Euro giảm lần lượt 4,57%, 1,46%. Tính tổng thể, các khoản nợ nước ngoài tính bằng đồng Việt Nam giảm 1,6% từ đầu tháng tới nay.
- “Thói quen” không đạt được mục tiêu thâm hụt ngân sách khiến các nguyên tắc tài chính luôn bị đặt dấu hỏi. Trong những năm gần đây, mục tiêu thâm hụt ngân sách đặt ra là 5-5,3% GDP nhưng thực tế rơi vào khoảng 6,3-6,6%.
Trong bối cảnh hiện nay, các thành phần thị trường có thể chưa nắm rõ chính sách thắt chặt tài chính sẽ tác động tới tăng trưởng GDP và kế hoạch đầu tư trị giá 89 tỷ USD. Theo ước tính của SSI Research, tổng đầu tư công trong 5 năm qua đạt 102,44 tỷ USD.
Quan điểm của SSI Research
Việc hạ mức thâm hụt ngân sách xuống mức 3,5% GDP trong năm 2017 không phải là một điều bất khả thi. Luật Ngân sách Nhà nước mới sẽ có hiệu lực từ năm sau. Các phương pháp tính toán thâm hụt sẽ được thay đổi cho phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế. Tóm lại, nếu loại bỏ việc thanh toán nợ gốc khỏi công thức tính toán, thâm hụt ngân sách của Việt Nam sẽ như bảng dưới.
Do đó, mục tiêu năm 2017 hoàn toàn trong tầm tay. Kế hoạch cân bằng cấu trúc ngân sách của Chính phủ có thể bao gồm: giảm chi tiêu (giảm 10% chi phí hoạt động của các cơ quan chính phủ), thu hẹp nhân sự nhà nước, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích khối dịch vụ công.
Theo SSI Research, trong bối cảnh thắt chặt tài khóa, có một số điểm quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn (2016-2020) vừa được thông qua:
- Tổng giá trị đầu tư công trong 5 năm tới sẽ đạt 89 tỷ USD. 56% từ ngân sách nhà nước và 44% từ ngân sách địa phương.
- Trong khoản đầu tư khoảng 50 tỷ USD từ ngân sách nhà nước, 36,5 tỷ USD (73%) tới từ khoản thu trong nước và 13,5 tỷ USD (27%) tới từ các khoản vay nước ngoài.
- Chính phủ sẽ phát hành 11,5 tỷ USD trái phiếu.
- Việc thoái vốn khỏi các doanh nghiệp nhà nước dự kiến thu về 11 tỷ USD.
Trên thực tế, SSI Research tin rằng chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng hoặc giải phóng mặt bằng cho các dự án lớn trong khi các dự án còn lại sẽ phụ thuộc vào các khoản vay ưu đãi, vốn FDI và khu vực tư nhân. Mô hình hợp tác công ty (PPP) đang được thảo luận rộng rãi nhưng việc thực hiện được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này giúp những dự án BOT và BT giữ được vị thế của mình.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam chuẩn bị kế hoạch đầu tư công trong ngắn hạn (trước đây thường làm từng năm một) để tránh bội chi hay chi dưới mục tiêu ngân sách. Đây cũng là bước tiến lớn đầu tiên trong quá trình cải cách đầu tư công.
Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch có thể gặp nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh năng lực quy hoạch và năng lực tài chính của chính quyền địa phương còn bị đặt dấu hỏi. Việc mở cửa kinh tế, cổ phần hóa các doanh nghiệp địa phương và tăng sự tham gia của khu vực tư nhân có thể là chất xúc tác quan trọng để giải quyết nhu cầu khổng lồ về đầu tư cơ sở hạ tầng hiện nay.