|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Lường trước được việc hạ bậc tín nhiệm, Vingroup vẫn đầu tư mạnh vào công nghiệp ô tô

19:12 | 12/09/2019
Chia sẻ
Phía Vingroup cho biết đã nhận thức rất rõ về khả năng kết quả xếp hạng tín nhiệm có thể bị ảnh hưởng ngay từ khi đầu tư mạnh vào các mảng công nghiệp và công nghệ, nhất là ô tô.
vin 2

Vingroup tiếp tục tăng sử dụng nợ vay để đầu tư ô tô (Ảnh: BM)

Ngày 12/9/2019, Hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) công bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Tập đoàn Vingroup ở mức B+, nhưng thay đổi triển vọng từ "ổn định" thành "tiêu cực". 

Lý do được S&P đưa ra là Vingroup tiếp tục tăng sử dụng nợ vay để đầu tư trong ngành công nghiệp ô tô, lĩnh vực dự kiến phải chịu lỗ trong giai đoạn đầu khiến các chỉ tiêu tài chính có thể sẽ kém khả quan hơn.

Hãng đánh giá tín nhiệm của Mỹ cho rằng, hệ số đòn bẩy của Vingroup sẽ duy trì ở mức cao trong vòng từ 12 - 18 tháng tới. Mức tổng nợ nhiều khả năng sẽ vượt con số 130.000 tỉ đồng kết thúc năm 2019 và vượt 150.000 nghìn tỉ đồng khi kết thúc năm 2020. Hệ số nợ trên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) có thể duy trì từ 4,5 - 5 lần, so với chỉ 3,2 lần năm 2017. 

Theo đánh giá của S&P, nợ tăng lên sẽ thúc đẩy chi phí vốn (capex) thông qua việc tăng trưởng tại các doanh nghiệp hiện tại và tăng cường các hoạt động kinh doanh mới. S&P dự báo mức vốn đầu tư hàng năm của Vingroup sẽ từ 20.000 - 25.000 tỉ đồng; trong đó cho kinh doanh ô tô sẽ chiếm từ 40 - 45% tăng trưởng capex. 

Dù chuyển hướng thành công ty công nghiệp - công nghệ, nhưng lợi nhuận và dòng tiền của Vingroup vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào bất động sản. Ngoài ra, tình hình tài chính của công ty cũng sẽ phụ thuộc vào việc mở rộng các ngành nghề kinh doanh hiện có. 

Theo tính toán của S&P, Vingroup sẽ cần tăng trưởng doanh thu ít nhất 45% trong năm 2020 để bù đắp cho đòn bẩy ngày càng tăng. 

S&P cũng cho rằng, EBITDA của Vingroup cũng có khả năng bị pha loãng trong hai năm tới. Lỗ ban đầu từ các khoản đầu tư vào ô tô, điện thoại, hàng không và việc mở rộng hoạt động các công ty khác trong hệ thống có thể làm giảm biên EBITDA xuống 14% vào năm 2020, so với mức thấp nhất lịch sử là 17%. 

Tuy nhiên, S&P cũng tin tưởng vào vị thế của Vingroup trên thị trường vốn có thể thu hút các nhà đầu tư tổ chức chiến lược dài hạn và chất lượng cao. Vingroup hiện cũng là nhà phát triển bất động sản và TTTM lớn nhất Việt Nam với lần lượt 15 - 20% và 60% thị phần tại các thành phố lớn Hà Nội và HCM. 

Vingroup có thể phục vụ nhu cầu thanh khoản chủ yếu bằng ba cách: cổ tức từ Vinhomes và Vincom Retail, cho vay liên công ty và chuyển nhượng dự án... 

Về phía Vingroup, đây là điều đã nằm trong dự liệu của công ty do mới tham gia vào hai lĩnh vực công nghiệp và công nghệ. Đặc biệt là dự án sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast 3,5 tỉ USD, vẫn đang trong giai đoạn đầu tư và chịu lỗ, chưa thể sinh lời ngay.

Hiện tại, VinFast cũng đang duy trì chính sách giá "3 Không" (Không chi phí khấu hao đầu tư, không chi phí tài chính và không lợi nhuận) kèm các ưu đãi khác nhằm giúp số đông người tiêu dùng Việt Nam có thể tiếp cận và trải nghiệm sản phẩm.

"Chúng tôi ý thức rất rõ về khả năng kết quả xếp hạng tín nhiệm có thể bị ảnh hưởng ngay từ đầu khi đầu tư mạnh vào các mảng Công nghiệp và Công nghệ, nhất là ô tô. 

Tuy nhiên, đối với chúng tôi, đây chỉ là những khó khăn trước mắt cần vượt qua. Với mong muốn xây dựng một thương hiệu Việt Nam uy tín trên trường quốc tế, chúng tôi quyết định chấp nhận các khó khăn trong ngắn hạn. 

Chúng tôi cũng đã xây dựng các kế hoạch kinh doanh, vận hành cũng như các kế hoạch tài chính và quản trị rủi ro chặt chẽ để từng bước vượt qua các khó khăn này" - Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup phát biểu về thông báo của S&P.

Bạch Mộc

Ngành thép và mối lo ngại với 'biến số' Tổng thống Trump
Nhiều đơn vị phân tích đều đánh giá ngành thép sẽ chịu tác động tiêu cực sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Cổ phiếu thép liên tục đỏ lửa sau ngày công bố kết quả bầu cử cho thấy những góc nhìn kém lạc quan của nhà đầu tư về ngành này.