Sóng gió vẫn chưa buông ngành dầu khí
Sóng gió vẫn chưa buông ngành dầu khí (Ảnh minh hoạ) |
Sáng 26/9, hội thảo "Ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế" được tạp chí Cộng Sản, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Nhìn nhận về những khó khăn hiện nay của ngành dầu khí, giáo sư Hồ Sĩ Thoảng, Hội Dầu khí Việt Nam, cho rằng việc giá dầu thấp đang tạo áp lực lớn lên Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN).
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là những sóng gió liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây liên quan đến hàng loạt lãnh đạo tập đoàn đã gây ra nhiều hoang mang.
"Người lao động PVN có liên quan đến những chuyện đang xảy ra nhưng không liên can. 60.000 người vẫn đang lao động hăng say. Con thuyền nó vẫn đi, ai không đi theo được thì rơi xuống biển, và cần những người lèo lái để con thuyền đi", ông Thoảng bộc bạch.
Vị giáo sư này cho rằng ai làm, ai có lỗi thì người đó chịu, còn PVN chỉ có đóng góp, không có lỗi.
Ông Phan Ngọc Trung, thành viên hội đồng thành viên của PVN, thì cho rằng đó là "cái vận" mà ngành dầu khí phải chịu.
Theo ông Trung, tiềm năng của ngành dầu khí không nhiều. Trữ lượng dầu khoảng 750 triệu tấn nhưng đã khai thác đưa vào sử dụng hơn 430 triệu tấn, trữ lượng khí là 730 tỉ m3, nhưng hiện đã khai thác được 170 tỉ m3.
"Con số về trữ lượng có thể thay đổi, không phải con số tĩnh, nhưng đến ngày nay, với trình độ của ngành dầu khí hiện nay đã khai thác hơn một nửa... Đâu đó chỉ còn những mỏ nhỏ", ông Trung nói.
Mặc dù Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất khai thác dầu khí từ đá móng, nhưng ông Trung cho rằng khai thác được thì rủi ro lại rất nhiều và đầu tư cũng phải cao hơn.
Ông Ngô Thường San, Hội Dầu khí Việt Nam, cho rằng rủi ro hiện nay không chỉ ở vấn đề giá dầu, mà là trong thăm dò khai thác. Bởi có nhiều dự án phải khoan 3 - 4 giếng mới phát hiện một giếng có giá trị thương mại.
Mặc dù đây là tỉ lệ cao hơn trung bình thế giới, được xem xét như một chi phí rủi ro, nhưng Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí lại không được trích lập rủi ro thăm dò nên thành nợ xấu.
Trong khi đó, một nghịch lý đặt ra là muốn tăng thêm trữ lượng phải gia tăng thăm dò, nhưng tăng thăm dò lại tăng nợ xấu.
Sự phát triển ổn định của các khâu trong chuỗi cũng phụ thuộc rất lớn vào sự ổn định của thăm dò, khai thác.
Nhưng theo ông San, mô hình Tập đoàn PVN hiện nay về mặt khách quan thì chưa tạo ra sự gắn kết, chủ động khi nguồn lực bị xé lẻ, phân tán, cạnh tranh nội bộ làm suy yếu sức mạnh, nhất là đơn vị xây lắp.
"Đây là điềm báo về sự tụt hậu không tránh khỏi của PVN trong tương lai gần, lợi nhuận trên doanh thu thấp, cần sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao để tăng thêm giá trị gia tăng", ông San nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng không nên kỳ vọng kịch bản giá dầu cao hơn mà cần tìm cách giảm chi phí để giá thành thấp hơn giá thương mại.
[Infographic] Bức tranh ngành khí Việt Nam qua các doanh nghiệp niêm yết Trong số các doanh nghiệp ngành khí niêm yết, GAS là doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất chiếm 94% giá trị vốn hóa ... |
PVN và bài toán khai thác tài nguyên Tìm kiếm thăm dò các mỏ dầu khí để gia tăng trữ lượng dầu khí và duy trì hoạt động khai thác dầu khí là ... |
Tổng giám đốc PVN lại viết tâm thư gửi toàn tập đoàn Chiều 1/9, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi cán bộ, người lao động ... |