|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Singapore lên kế hoạch 'thích nghi' với COVID-19 để phục hồi kinh tế

08:07 | 13/06/2021
Chia sẻ
Thay đổi của Singapore trong trọng tâm chính sách, hướng tới học cách thích nghi với bối cảnh COVID-19 đã mở ra con đường cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của nước này.
Singapore lên kế hoạch 'thích nghi' với COVID-19 để phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Quang cảnh quận tài chính ở Singapore. (Ảnh: TTXVN).

Ông Steve Cochrane, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc công ty Moody's Analytics, cho biết: "Nếu Singapore có thể dỡ bỏ các biện pháp hạn chế như dự kiến vào ngày 13/6 tới, thì Moody's có thể điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng".

Trước đó, ông đã khẳng định: "Dự báo của Moody's về Singapore không thay đổi, và chúng tôi tiếp tục phân loại chu kỳ hoạt động của nền kinh tế Singapore là có rủi ro".

Moody's dự báo kinh tế Singapore tăng trưởng 5,5%, cao hơn ước tính của Bộ Công Thương Singapore (MTI) là 4-6%. MTI và Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương) cũng tin tưởng nền kinh tế Singapore có thể tăng trưởng hơn 6% nếu nhu cầu toàn cầu đối hàng hóa và dịch vụ của nước này duy trì đủ mạnh trong năm nay.

Tuy nhiên, những biện pháp phòng dịch ở mức cảnh báo cao đã "phủ bóng" lên triển vọng kinh tế của "đảo quốc sư tử". Chính phủ nước này đã đưa ra gói hỗ trợ tài chính bổ sung cho những lĩnh vực bị ảnh hưởng.

Quyết tâm của Thủ tướng Lý Hiển Long nhằm đối phó với thách thức COVID-19 trong thời gian tới có thể đem lại cho doanh nghiệp trong nước niềm tin kinh doanh. Doanh nghiệp nối lại việc lập kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất trong tương lai sẽ tạo tiền đề thúc đẩy tăng việc làm.

Những biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội gần đây là không thể tránh khỏi do đợt bùng phát đột ngột các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Việc kiểm soát nhanh sự lây lan dịch bệnh sẽ hỗ trợ lĩnh vực sản xuất, nâng đỡ nền kinh tế Singapore thoát khỏi tình trạng suy thoái tồi tệ nhất từ trước đến nay. Nhưng các số liệu mới đây cho thấy lĩnh vực này đã bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo công bố ngày 2/6, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Singapore trong tháng Năm đã giảm 0,2 điểm so với tháng Tư, xuống mức thấp kỷ lục là 50,7. Viện quản lý mua hàng và nguyên vật liệu Singapore (SIPMM) đánh giá PMI tháng Năm phản ánh tác động của các biện pháp phòng dịch ở mức cảnh báo cao. Chỉ số PMI cho lĩnh vực điện tử - chiếm phần lớn lĩnh vực sản xuất nói chung - cũng giảm.

Bà Sophia Poh, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển công nghiệp thuộc SIPMM, cho biết các nhà sản xuất đang buộc phải hoãn giao hàng. Các lãnh đạo doanh nghiệp giải thích, sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới và biện pháp đối phó của Singapore cũng như của các quốc gia khác trên khắp khu vực châu Á đã tác động đến tâm lý kinh doanh.

Nếu việc trì hoãn đưa ra quyết định hay hoãn giao hàng, nếu kéo dài sẽ dẫn khiến doanh nghiệp đánh mất các cơ hội kinh doanh, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Ông Kurt Wee, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Singapore, cho rằng chỉ riêng những hạn chế đi lại đã gây thiệt hại nặng nề cho các SME địa phương.

Ông cho biết, các SME phải chật vật để tìm kiếm giao dịch kinh doanh, không giống như các công ty lớn dựa vào thương hiệu và chuỗi cung ứng mạnh của họ.Theo ông, SME khó có thể đạt được hợp đồng mới chỉ bằng các cuộc gọi trực tuyến, họ cần sự tương tác trực tiếp để duy trì hoạt động kinh doanh.

Trong phát biểu mới đây, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định sẽ không đóng biên giới hoàn toàn.Cách tiếp cận mới trong việc quản lý nền kinh tế giữa cuộc khủng hoảng COVID-19 được coi là một bước đi then chốt để đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường hơn.

Lý do giải thích tại sao một số chuyên gia kinh tế vẫn coi chu kỳ kinh doanh của Singapore có rủi ro là bởi phục hồi kinh tế chưa đồng đều cả ở trong và ngoài nước. Ở Singapore, một số doanh nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hạn chế đi lại, ngành du lịch và khách sạn chiếm đến 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Dự báo tăng trưởng kinh tế trên 6% chủ yếu là dựa trên nền tảng so sánh thấp, do GDP của Singapore giảm 5,4% - mức giảm kỷ lục trong năm 2020. Ngay cả với tốc độ 6% hoặc cao hơn một chút, đây cũng sẽ là một trong những sự phục hồi yếu nhất đối với nước này.

Tăng trưởng phục hồi sau những đợt suy thoái trước đó ở mức khoảng 10%, trong đó kinh tế Singapore tăng tới 14,5% năm 2010 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Trên toàn cầu, quá trình phục hồi kinh tế diễn ra không cân bằng, nghiêng về phía các nền kinh tế lớn có khả năng tiếp cận vaccine tốt hơn. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gần đây nâng dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 từ 4,2% lên 5,8% - mức dự báo tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1973.

Những nền kinh tế trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) được dự báo tăng trưởng trung bình 6,3%, cao hơn mức trung bình toàn cầu. Điều đó có nghĩa là hầu hết các nền kinh tế đang nổi lên - trong đó có nhiều đối tác thương mại của Singapore - sẽ vẫn tụt hậu.

Điều này tạo ra rủi ro đối với sự phục hồi hoàn toàn của Singapore do nước này phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất định hướng thương mại. Công ty tư vấn quản lý McKinsey trong một báo cáo tóm tắt gần đây đã chỉ rõ, nhiều vấn đề trước mắt có thể đe dọa đến tăng trưởng, chẳng hạn như sự thiếu hụt chất bán dẫn - nền tảng của tất cả các sản phẩm điện tử - trên toàn cầu.

Hầu hết tăng trưởng sản xuất của Singapore xuất phát từ lĩnh vực điện tử, nhờ sự dẫn đầu của các "ông lớn" công nghệ như Apple và Samsung. Cả hai tập đoàn này dự kiến sẽ phải cắt giảm sản lượng do thiếu hụt chất bán dẫn.

Sản lượng thấp hơn của các nhà sản xuất toàn cầu có thể dẫn đến tăng trưởng xuất khẩu đi ngang trong lĩnh vực điện tử của Singapore. Bởi vậy, việc mở rộng cơ sở phục hồi bằng cách cho phép nhiều lĩnh vực hơn và nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn tham gia được coi là điều cần thiết trong tương lai.

Nguyễn Thúy