|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Siêu sân bay Long Thành đón cú hích mới

10:06 | 24/11/2017
Chia sẻ
Hôm nay (24/11), các đại biểu Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành - tiền đề để khởi động cho việc hình thành cửa ngõ hàng không mới ở khu vực phía Nam.

Thu hồi đất một lần

Ngoài một số chỉ tiêu quan trọng liên quan tới quy mô, chi phí, thời gian thực hiện, UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đang chờ Quốc hội thông qua cơ chế hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương cho Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trước đó, vào cuối tuần trước, Bộ GTVT đã thể hiện sự nhất trí cao đối với các nội dung của Dự thảo Nghị quyết do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xây dựng trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại các phiên thảo luận tại hội trường và tại tổ.

sieu san bay long thanh don cu hich moi

Diện tích đất cần thu hồi để thực hiện Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành lên tới hơn 5.000 ha. Ảnh: Lê Quân.

Cụ thể, nếu được sự đồng thuận của đa số đại biểu, Quốc hội sẽ giao Chính phủ quy định cụ thể mức hỗ trợ đối với hộ gia đình bị ảnh hưởng thu nhập trên cơ sở bảo đảm hài hòa với các dự án đã thực hiện trên địa bàn.

Để đảm bảo sử dụng hợp lý quỹ đất, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ được phép khai thác, sử dụng quỹ đất đã được thu hồi, nhưng chưa xây dựng cơ sở hạ tầng của Cảng hàng không quốc tế Long Thành và có trách nhiệm giao lại đất theo tiến độ triển khai Dự án với điều kiện là phải ưu tiên cho thuê đất đối với các hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi.

Bên cạnh đó, ngoài nguồn vốn 5.000 tỷ đồng đã được Quốc hội bố trí theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội, Bộ GTVT thống nhất phương án bố trí bổ sung 15.000 tỷ đồng trong tổng số 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 cùa Quốc hội; 2.938 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Sân bay Long Thành, trường hợp không đủ thu từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Được biết, theo tờ trình về Báo cáo Tiền khả thi Dự án của Chính phủ vào đầu kỳ họp, toàn bộ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất thuộc Dự án được hoàn trả vào ngân sách Trung ương.

Trước đó, trong Báo cáo thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cho rằng, đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn ngoài ngân sách để thực hiện. Mặt khác, đây là dự án có quy mô thu hồi đất rất lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân, nên phải bảo đảm thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 94/2015/QH13 là thu hồi đất một lần, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân.

Cần phải nói thêm rằng, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được triển khai sớm, hiệu quả, giúp triển khai xây dựng Sân bay Long Thành đúng kế hoạch và giảm nhẹ tác động bất lợi cho người dân vùng Dự án.

Quy mô xây dựng phù hợp

Được biết, ngày 22/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký Báo cáo số 550/BC-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm rõ thêm diện tích giải phóng mặt bằng dự án và diện tích xây dựng Sân bay Long Thành.

Theo đó, Chính phủ khẳng định, quy mô diện tích đất dành cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được xem xét, quyết định từ năm 2005 và được thống nhất triển khai từ khâu quy hoạch đến lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và đã được Quốc hội xem xét, thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13. Cụ thể, diện tích đất dành cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 ha, trong đó diện tích đất dành cho Dự án là 2.750 ha; phần diện tích đất còn lại dành cho quốc phòng và dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác sẽ được giải phóng mặt bằng trong các dự án độc lập khác khi có nhu cầu.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/11/2017, Bộ GTVT đã chủ trì làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng) để tiếp tục rà soát, làm rõ diện tích đất cần thu hồi 5.000 ha của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Kết quả cuộc họp cho thấy, các cơ quan đều thống nhất cao với diện tích đất thu hồi (5.000 ha) phục vụ Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành do Chính phủ trình và đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH1.

Mặt khác, trong quá trình tiếp thu, giải trình ý kiến Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư Dự án, Bộ GTVT đã cung cấp thêm thông tin về quy mô các cảng hàng không quốc tế trên thế giới hiện nay có sử dụng diện tích đất lớn tương tự hoặc lớn hơn diện tích Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, quy mô xây dựng Cảng hàng không Long Thành với diện tích 5.000 ha (5 km x 10 km) được xác định trên cơ sở đầu tư xây dựng một sân bay cấp 4F với cấu hình 2 cặp đường cất hạ cánh và khu vực bố trí 4 nhà ga hành khách phục vụ quốc tế và quốc nội (chiều dài đường cất hạ cánh là 4.000 m, có tính thêm bề mặt tiếp cận phần đầu đường cất hạ cánh 10 km nằm trong danh giới cảng hàng không).

“Việc xác định quy mô các hạng mục như khu bay, đường cất hạ cánh, đường lăn và các diện tích liên quan đã được xác định dựa trên kết quả dự báo nhu cầu giao thông tại sân bay và các tài liệu liên quan khác của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), sổ tay tham chiếu phát triển sân bay của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cũng như kinh nghiệm của tư vấn”, Bộ trưởng Thể cho biết.

Anh Minh