ShopeePay bị phạt
Ngày 30/10, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính ShopeePay 25 triệu đồng.
Quyết định này được đưa ra sau kết luận của quá trình kiểm tra bắt đầu từ ngày 19/8. Theo đó, Cục An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn thông tin mạng (ATTTM) tại ShopeePay.
Kết quả kiểm tra cho thấy, ShopeePay đã ban hành chính sách bảo mật, triển khai kế hoạch bảo đảm ATTTM, bố trí kinh phí cho công tác ứng cứu sự cố và có các biện pháp giám sát, phòng chống phần mềm độc hại để bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng.
Tuy nhiên, ShopeePay chưa tiến hành đánh giá hiệu quả của các biện pháp quản lý và kỹ thuật áp dụng cho hệ thống thông tin theo quy định.
Cụ thể, công ty chưa kiểm tra tính đầy đủ của quy chế bảo đảm ATTTM, chưa đánh giá việc tuân thủ các quy định, quy trình trong quá trình vận hành và chưa có đánh giá về việc cấu hình hệ thống thông tin theo phương án đã được phê duyệt.
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp khi đầu tư thiết bị và giải pháp cho hệ thống thông tin cần chú trọng việc cấu hình và áp dụng các giải pháp kỹ thuật phù hợp, tăng cường kiểm tra hiệu quả của các biện pháp bảo đảm ATTTM theo phương án phê duyệt.
CTCP ShopeePay cung cấp ứng dụng ví điện tử trên di động, đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến như nạp, rút tiền, nạp điện thoại, thanh toán các dịch vụ tài chính và hóa đơn tiện ích (điện, nước, internet, truyền hình cáp), cũng như các dịch vụ giải trí.
Theo dữ liệu FiinGroup, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có 36 triệu ví điện tử hoạt động, dự báo sẽ đạt 50 triệu vào cuối năm 2024. Trong giai đoạn 2018 - 2023, lượng và giá trị giao dịch qua ví điện tử duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 80,4% và 83,5% mỗi năm. Sự phổ biến của thanh toán kỹ thuật số nhờ vào tỷ lệ người dùng smartphone cao, dự kiến đạt 82,2 triệu người vào năm 2025.
Theo quy hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu đặt ra là 100% dân số sử dụng smartphone vào cuối năm 2024, cho thấy tiềm năng phát triển của các dịch vụ liên quan đến smartphone còn rất lớn.
Báo cáo “Người tiêu dùng số - The Connected Consumer” quý I/2023 của Decision Lab và Hiệp hội tiếp thị di động Việt Nam cho biết, MoMo dẫn đầu thị phần ví điện tử với 68%, đứng đầu về số lượng giao dịch thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia với 47%. Xếp sau MoMo là ZaloPay (53%), ViettelPay (27%), và ShopeePay với 25% thị phần.
Vị trí tiếp theo thuộc về VNPay (16%) và Moca (7%), trong đó Moca đã ngừng hoạt động từ 1/7/2024, tạo ra cơ hội cạnh tranh cho các ví điện tử khác.