|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

SHB sẽ đi theo \"mô hình\" của MB và HDBank?

07:46 | 30/11/2016
Chia sẻ
Dường như đang có làn sóng các ngân hàng đua nhau có được công ty tài chính rồi lại...bán cho nước ngoài.

Đua nhau lập công ty tài chính

Từ năm 2014, làn sóng thành lập các công ty tài chính đã bắt đầu nở rộ cùng với nhận định đây là mảnh đất màu mỡ chưa được khai thác. Hàng loạt ngân hàng tiến hành mua lại, nhận sáp nhập, hoặc thành lập mới.

Có thể kể đến các trường hợp M&A thành công như VPBank mua lại Tài chính Than Khoáng sản, Techcombank mua lại Tài chính Sông Đà, Maritime Bank sở hữu Tài chính Dệt may, SHB nhận sáp nhập Tài chính Vinaconex Viettel. Hay các trường hợp đã lên kế hoạch lập mới công ty tài chính như ACB, Sacombank, BIDV, Đông Á, Nam Á, OCB..., thậm chí VietinBank còn dự định sau khi nhận sáp nhập PGBank sẽ chuyển một phần ngân hàng này thành Công ty tài chính PG Finance...

Từ khi mảng này phát triển mạnh vào năm ngoái, VPBank là minh chứng thành công nhất trên thị trường cho việc ngân hàng kiếm bộn tiền từ tài chính tiêu dùng. Cụ thể, thị phần của FE Credit đã vươn lên dẫn đầu và mang về khoản lợi nhuận chiếm tới hơn nửa tổng lợi nhuận của ngân hàng VPBank hợp nhất. Ngay cả khi nói rằng, nếu không có FE Credit, không biết VPBank bây giờ sẽ thế nào cũng không quá chua ngoa, vì như 9 tháng đầu năm nay riêng ngân hàng mẹ chỉ đạt chưa đến 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế - chỉ bằng hơn một nửa của MB hay Techcombank, nhưng cộng kết quả của FE Credit thì nhà băng này lại vươn lên dẫn đầu nhóm các ngân hàng cổ phần.

Không chỉ kinh doanh, các ngân hàng còn nhắm đến bán cho nước ngoài

Sự thành công của VPBank đang khiến các ngân hàng nội địa có hoặc chưa có công ty tài chính đều "đứng ngồi không yên", trong khi các công ty nước ngoài cũng lên kế hoạch cạnh tranh mạnh mẽ.

Nhưng không chỉ đơn thuần là kinh doanh với tiềm lực nội tại, các chủ sở hữu công ty tài chính còn đang nhắm tới một mối lợi khác đó là bán vốn cho nước ngoài.

Mới đây, Ngân hàng Quân đội cho bết đã thực hiện bán 49% vốn của công ty tài chính tiêu dùng Mcredit mà ngân hàng này mới được NHNN chấp thuận thành lập, cho đối tác Shinsei Bank của Nhật để lập thành công ty liên doanh. Dự kiến mô hình liên doanh này sẽ hoàn thành trong năm 2017 với tên gọi mới MB Shinsei.

Câu chuyện bán vốn ở MB lại khiến người ta liên tưởng đến trường hợp của HDBank. Sau khi mua lại công ty tài chính Việt Société Générale (SGVF), một trong những công ty tài chính nước ngoài lớn nhất Việt Nam thuộc tập đoàn tài chính Société Générale của Pháp hồi năm 2013, HDBank đứng ra vận hành công ty này dưới tên gọi HDFinance trong một thời gian ngắn, rồi sau đó đến đầu quý 2/2015, ngân hàng bất ngờ tuyên bố bán 49% vốn HDFinance cho đối tác Credit Saison của Nhật. Sau khi bán, HDBank và đối tác Nhật cũng lập thành công ty liên doanh mới với tên gọi mới là Công ty tài chính TNHH HD Saison và đang khẳng định vị thế khá vững chắc trong mảng tín dụng tiêu dùng hiện nay.

Sau thông tin từ MB, ngân hàng SHB mới đây cũng để ngỏ khả năng về việc bán 49% vốn công ty tài chính cho đối tác nước ngoài dù rằng ngân hàng này cũng vừa mới được chấp thuận nhận sáp nhập công ty tài chính VVF cùng kế hoạch mở công ty tài chính tiêu dùng.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB đã tiết lộ rằng, từ khi SHB triển khai các bước nhận sáp nhập VVF đã có nhiều tổ chức tài chính nước ngoài liên hệ và ngỏ ý muốn tham gia góp vốn vào công ty tài chính tiêu dùng, ban lãnh đạo ngân hàng sẽ xem xét có đối tác phù hợp thì sẽ hợp tác

Có đáng lo ngại?

Sự việc các ngân hàng bán vốn công ty tài chính cho nước ngoài đã khiến nhiều người bày tỏ quan ngại, thị trường tài chính tiêu dùng dần dần sẽ rơi hết vào các công ty nước ngoài, và rằng ngân hàng nội chỉ tính đến "ăn xổi ở thì", chỉ tính phần lợi nhuận trước mắt sau khi huy động được vốn chứ không tính việc làm ăn lâu dài.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn quan sát, giới chuyên gia cho rằng việc các ngân hàng lập công ty tài chính để cạnh tranh trên thị trường sẽ không dễ dàng gì, nhất là thời gian tới nền kinh tế còn hội nhập sâu hơn. Do đó, tìm đến đối tác nước ngoài là một bước đi đầy chiến lược vì khi ấy các công ty sẽ tận dụng được kinh nghiệm triển khai, năng lực quản trị, hệ thống kênh phân phối của các tổ chức này để đảm bảo công ty tài chính có một vị thế, thị phần đáng kể trên thị trường.

Điều quan trọng, theo các chuyên gia, không phải là bán vốn cho nước ngoài hay trong nước mà là tìm được đối tác hay. Chẳng hạn như HDBank và MB cho thấy, họ đều lựa chọn rất kỹ lưỡng. Trong đó Credit Saison là tổ chức phát hành thẻ tín dụng lớn nhất Nhật Bản, có mối quan hệ mật thiết với ngành tiêu dùng nước này như các trung tâm thương mại, các siêu thị, cửa hàng, đồng thời chú trọng đến các lĩnh vực cho thuê, bảo lãnh tín dụng. Còn Shinsei Bank cũng có hơn 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, đang quản lý 1 công ty con về cho vay tiêu dùng có thị phần lớn thứ 3 ở thị trường Nhật.

Tùng Lâm