Sếp ngân hàng giăng bẫy 'lãi suất ưu đãi cho người nhà', lừa 2.700 tỷ đồng
Vũ Thị Thu Nhung, 49 tuổi, cựu phó giám đốc Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), chi nhánh Ba Đình, Hà Nội, bị TAND Hà Nội xét xử hôm 4/6 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền bị cáo buộc lên tới hơn 2.700 tỷ đồng.
Nhung làm phó giám đốc Eximbank chi nhánh Ba Đình từ năm 2013. VKS xác định, một năm sau khi nhận chức, Nhung bắt đầu "bịa thông tin" về việc chi nhánh có nhiều chương trình gửi tiền ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân có quan hệ nội bộ Eximbank, lãi suất 12-32% mỗi năm.
Nhung nói với họ các chương trình này được "quản lý riêng" trên hệ thống tài khoản nội bộ của các lãnh đạo Eximbank, không phát hành rộng rãi và chỉ duy nhất áp dụng ở Eximbank Ba Đình. Nhung cam kết trực tiếp xin cơ chế này với lãnh đạo cấp trên. Nhung đề nghị khách chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của mình, từ đây sẽ chuyển tiền vào "tài khoản nội bộ" của Eximbank Ba Đình.
Nhưng thực tế, đây là thông tin không có thật. Nhung bị cáo buộc đã làm giả các chứng từ xác nhận nhận tiền, đóng dấu xác nhận của Eximbank Ba Đình để chuyển cho khách.
Nhận hàng nghìn tỷ song không có sổ sách
Nhà chức trách xác định, nạn nhân của Nhung đa số là người quen, bạn bè, khách hàng lâu năm. Trong số này, có chị Hồng, trú quận Hoàng Mai, quen Nhung từ năm 2020 do chị làm kế toán một công ty chứng khoán, đã đến làm việc tại Eximbank Ba Đình.
Nghe Nhung hứa hẹn, chị Hồng đồng ý gửi 5 tỷ đồng. Nhận lời giúp Nhung tăng chỉ tiêu, chị còn giới thiệu thêm 7 người là em gái, chị gái, em dâu, bạn thân, đồng nghiệp của chồng, bạn của em gái... mỗi người 400 triệu đến hơn 3 tỷ đồng, tổng 15 tỷ đồng.
Nhận tiền, Nhung đưa lại cho chị Hồng các Chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn rút vốn linh hoạt dành cho khách hàng ưu tiên. Tại đây, Nhung ký thay giám đốc, đóng dấu Eximbank Ba Đình.
Thấy Nhung không trả tiền gốc và tiền lãi như cao kết , nghi ngờ lừa đảo, tháng 5/2022, chị Hồng mang các chứng chỉ này đến gặp Giám đốc Eximbank Ba Đình và được trả lời: Các tài liệu này "đều là giả mạo, không có trên hệ thống của ngân hàng".
Ngày 12/6/2022, chị Hồng đến công an tố cáo. Nhung bị bắt sau đó 3 ngày.
Phản hồi cơ quan điều tra, Eximbank chi nhánh Ba Đình cho biết, Nhung bị đình chỉ công việc ngày 24/5/2022.
Tại cơ quan điều tra, Nhung khai trực tiếp nhận tiền của nhiều người hoặc thông qua trung gian, số lượng tiền lớn trong thời gian dài song không lập sổ sách, không lưu giữ giấy tờ nên không nhớ đầy đủ, chính xác số lượng, thông tin những người đã chuyển tiền.
Các tài liệu giả của Eximbank, Nhung khai tự làm, nội dung tự nghĩ, thực hiện một mình. Chị Hồng chỉ là trung gian nhận tiền của những người thân rồi chuyển cho Nhung nhờ gửi tiết kiệm, không biết việc Nhung gian dối để chiếm đoạt tiền. Nhung không trao đổi, bàn bạc, ăn chia với chị.
Nhà chức trách sau đó xác định chị Hồng là bị hại, không đề cập xử lý.
Trong thời gian công an điều tra thêm nhiều người đã đến tố cáo bị Nhung lừa tiền, với cùng thủ đoạn áp dụng với chị Hồng.
Hiện VKS xác định 35 bị hại đã chuyển cho Nhung gần 200 tỷ đồng, người nhiều nhất lên tới 99 tỷ đồng.
Vẽ "công ty sân sau của lãnh đạo" để lừa đảo
Cũng trong thời gian này, VKS cáo buộc, để chiếm đoạt được số tiền lớn hơn, Nhung còn bịa chuyện Eximbank Ba Đình đang bán đấu giá tài sản nợ xấu tại ngân hàng để các khách hàng tin tưởng nộp tiền ký quỹ đăng ký mua tài sản đấu giá.
Nhung thành lập Công ty TNHH tư vấn đầu tư và quản lý tài sản Việt Nam (Công ty QLTS) do mình làm chủ tịch HĐQT.
Theo cáo trạng, Nhung giới thiệu với khách đây là "công ty sân sau" của nội bộ lãnh đạo Ngân hàng Eximbank, là đơn vị kết hợp Eximbank Ba Đình tổ chức đấu giá thanh lý tài sản tại ngân hàng. Nếu khách có tiền gửi ký quỹ để tham gia đấu giá vào tài khoản công ty này, sẽ nhận lại toàn bộ tiền gốc và được chia tiền lợi nhuận 10-14%.
Nhung tìm kiếm các hình ảnh về thửa đất, sổ đỏ trên mạng intermet rồi giới thiệu với khách đó là tài sản nợ xấu cần thanh lý của Eximbank. Để tránh bị phát hiện, Nhung dặn khách hàng phải giữ bí mật thông tin vì chương trình ưu đãi "chỉ dành riêng cho một số khách hàng, số lượng hạn chế".
Tin tưởng, 11 khách hàng đã gửi tiền cho Nhung để gửi tiết kiệm và ký quỹ đầu tư mua bán tài sản đấu giá nợ xấu thanh lý, tổng 117 tỷ đồng.
Với hai thủ đoạn trên, trong 8 năm, 2014 đến tháng 5/2022, nữ phó giám đốc bị cáo buộc đã chiếm đoạt tiền của khoảng 100 bị hại, tổng hơn 2.700 tỷ đồng. Song đến nay, công an mới xác định được 46 người với tổng tiền bị chiếm đoạt 788 tỷ. Họ đã được Nhung trả 477 tỷ lãi, còn bị chiếm đoạt 311 tỷ.
Tiền lãi Nhung trả thực chất là tiền của người sau trả cho người trước. Số còn lại Nhung chỉ tiêu hết.
Lừa đảo nghìn tỷ, không có tài sản để kê biên
Cơ quan điều tra xác minh tài sản liên quan đứng tên Nhung để kê biên phong tỏa song nhận ra, hầu như cựu phó giám đốc ngân hàng không còn tài sản gì, ngoài một tài khoản số dư một tỷ đồng.
Hai trong ba ôtô đứng tên Nhung, hiện thế chấp ngân hàng với khoản dư nợ gần 600 triệu đồng. Nhà chức trách đã trao trả hai ôtô cho ngân hàng để xử lý khoản vay của Nhung.
Căn chung cư 120 m2 tại Bắc Từ Liêm cũng đang được Nhung thế chấp vay ngân hàng, song đã quá hạn thanh toán, tổng nợ hiện hơn 1,8 tỷ đồng.
Thửa đất 120 m2 quận Tây Hồ, được ngân hàng định giá 16 tỷ đồng, cũng được thế chấp để vay 12 tỷ đồng, song Nhung còn nợ 11,5 tỷ đồng.
Thửa đất 39 m2 tại quận Ba Đình, tuy sổ đỏ đứng tên Nhung nhưng đã được ký hợp đồng chuyển nhượng giá 4 tỷ đồng cho cá nhân khác, từ tháng 3/2020.
Thửa đất còn lại tại Ba Vì, diện tích hơn 5.600 m2, cũng đã được Nhung chuyển nhượng, năm 2015-2016.
Đến nay, VKS xác định, Nhung "không có khả năng khắc phục hậu quả".
Đây là vụ lừa tiền với số tiền lớn, song phiên toà mở ngày 4/6 lại vắng mặt nhiều bị hại, người liên quan, HĐXX do đó hoãn xét xử, chưa ấn định ngày mở lại.