|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SCIC lý giải tỷ lệ trần bán 2,7% vốn trong đợt bán cổ phần Vinamilk

19:24 | 30/11/2016
Chia sẻ
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa tổ chức họp báo liên quan tới thông tin bán vốn Nhà nước tại Vinamilk.
scic ly giai ty le tran ban 27 von trong dot ban co phan vinamilk
Thoái vốn tại Vinamilk. Ảnh: Ngày nay.

Tính toán kĩ mức sàn 144.000 đồng/cổ phần

Trước câu hỏi về việc tại sao SCIC khống chế mức trần 2,7% vốn điều lệ, tương ứng mỗi nhà đầu tư được mua tối đa 39.189.150 cổ phần, Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi cho biết: "Khống chế tỷ lệ 2,7% cho 1 nhà đầu tư, SCIC đã bàn rất kĩ theo chỉ đạo của Chính phủ muốn bán rộng rãi để nhiều nhà đầu tư có thể mua được cổ phiếu Vinamik (mã: VNM) - một cổ phiếu được đánh giá tốt và nhiều nhà đầu tư quan tâm".

Ngược với mong muốn đó của SCIC, phóng viên đặt vấn đề liệu các nhà đầu tư nhỏ sau khi mua cổ phần VNM có thể sáp nhập lại, khi đó vẫn đủ tỷ lệ 9% vốn thì có làm phá sản kế hoạch khống chế mức mua tối đa?

Chủ tịch SCIC cho biết, việc đó có thể xảy ra, SCIC không thể kiểm soát được việc các nhà đầu tư bán lại hay sáp nhập. Khi tham gia thị trường các bên đều phải chấp nhận quy luật.

Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc SCIC Hoàng Nguyên Học cũng cho biết, giao dịch của VNM tại thị trường sẽ tuân theo cả mức giá sàn của phiên giao dịch và giá tối thiểu 144.000 đồng mà SCIC đưa ra. "Nếu trong phiên giao dịch, giá sàn cao hơn 144.000 đồng sẽ giao dịch theo mức sàn của phiên, ngược lại sẽ theo mức tối thiểu của SCIC", ông Học cho biết.

Tin tưởng khả năng thành công từ đợt bán vốn

Chủ tịch SCIC cung cấp thêm thông tin, qua các buổi giới thiệu với các nhà đầu tư nước ngoài tại Singapore, Hong Kong, London, gần 100 nhà đầu tư tham gia thảo luận trực tiếp, lắng nghe trình bày. Trong đó, gần 20 nhà đầu tư có thông tin trở lại với SCIC về VNM. Đặc biệt, sau hội nghị tại Singapore, 10 nhà đầu tư đã độc lập gặp gỡ lãnh đạo VNM để trao đổi, nghiên cứu thêm về vấn đề này.

Việc chào bán cổ phần VNM của SCIC là trường hợp đầu tiên công bố thông tin ở các hãng tin nước ngoài. Điều này cũng nhằm mục tiêu thu hút thêm nhà đầu tư tham gia, đại diện SCIC nói.

Trước mắt việc bán vốn của VNM chỉ niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM (HOSE), nhưng SCIC cũng hi vọng thời gian tới sẽ niêm yết ở các sàn giao dịch nước ngoà tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư, Chủ tịch SCIC khẳng định.

Đánh giá về khả năng thành công của đợt bán đấu giá, ông Chi cho biết, đợt gia nhập thị trường của VNM này SCIC làm kĩ lưỡng bài bản, cố gắng mức tối đa đạt mục tiêu xuyên suốt. Đây là đợt đầu tư không hạn chế bất kỳ nhà đầu tư nào tham gia. Tuy nhiên, đợt đấu giá có thể bị ảnh hưởng bởi thị trường, SCIC tôn trọng thị trường và tin tưởng khả năng thành công.

Về thông tin trước đó VAFI cảnh báo việc bán vốn "nhỏ giọt" thành nhiều đợt như SCIC đang làm sẽ giảm hiệu quả, ông Chi cho biết đã làm việc với đơn vị này để làm rõ phương án tốt nhất. Hiện nay, VAFI hoàn toàn đồng ý với kế hoạch bán vốn của SCIC.

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã công bố thông tin về việc đấu giá cổ phần tại Vinamilk (VNM) vào ngày 28/11.

Theo đó, ngày 12/12 SCIC sẽ chào bán 130.630.500 cổ phiếu VNM, tỷ lệ 9% với giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phần.

Số lượng mua tối thiểu là 20.000 cổ phiếu (đủ điều kiện để giao dịch thỏa thuận theo quy định tại quy chế giao dịch của HOSE).

Số lượng cổ phần được đăng ký mua tối đa là 39.189.150 cổ phần, tức 2,7% vốn điều lệ. Nếu bán thành công, SCIC có thể thu về ít nhất 18.810 tỷ đồng tương đương hơn 840 triệu USD.

Thái Hoàng

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.