|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

SCIC đang đầu tư 1 tỷ USD từ tiền bán vốn

20:59 | 21/02/2017
Chia sẻ
"SCIC đang đầu tư 24.000 tỷ đồng (khoảng hơn 1 tỷ USD) vào các lĩnh vực, ngành kinh tế trọng điểm chưa thực sự thu hút tư nhân tham gia", ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC chia sẻ.
scic dang dau tu 1 ty usd vao san xuat vacxin nang luong
Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC. Ảnh: Thái Hoàng.

Đây là chia sẻ của Nguyễn Hồng Hiển trước câu hỏi về việc đầu tư vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại Hội thảo Chuyển giao doanh nghiệp Nhà nước về SCIC tổ chức sáng nay 21/02.

Ông Hiển cho biết, ngoài việc quản lý vốn Nhà nước, SCIC còn có nhiệm vụ đầu tư nguồn vốn này - như cái tên của mình. Số tiền bán vốn, sau khi nộp thuế, nộp về ngân sách Nhà nước, một phần sẽ được trích lập vào các quỹ đầu tư để tiền hành đầu tư xoay vòng.

Đến nay, SCIC thực hiện đầu tư khá nhiều vào các đơn vị. Vị Phó tổng Giám đốc SCIC cho biết có thể đầu tư các doanh nghiệp hiện hữu của SCIC nếu các đơn vị này hoạt động hiệu quả và cso nhu cầu tăng vốn. "Trên cơ sở đó, khi họ kinh doanh tốt trả cổ tức cho SCIC cũng tốt, giá trị cổ phiếu gia tăng, đảm bảo giá trị cổ phần của SCIC", ông Hiển chia sẻ.

SCIC sẽ đầu tư bằng cách mua cổ phiếu trái phiếu đầu tư vào các doanh nghiệp hoặc đang hoạt động hoặc doanh nghiệp mới. Ngoài ra, SCIC cũng tìm kiếm các dự án, đầu tư vào các dự án.

Tuy vậy, Phó tổng Giám đốc SCIC khẳng định: "Quá trình đầu tư của SCIC là đầu tư tài chính, nên khi đầu tư vào các dự án sẽ cân nhắc và có tư vấn của những nhà đầu tư có kinh nghiệm".

Ông Hiển cũng cho biết, hiện SCIC đang đầu tư 24.000 tỷ đồng khoảng hơn 1 tỷ USD vào các lĩnh vực đầu tư. "Trong các ngành SCIC lựa chọn đầu tư, chúng tôi tập trung vào các ngành kinh tế trọng điểm, các ngành chưa thực sự thu hút đầu tư tư nhân tham gia", ông Hiển nói.

Ông chia sẻ, SCIC hiện đang đầu tư vào hệ thống cơ sở khám chữa bệnh ung thư, các dự án sản xuất thuốc vacxin quy mô công nghiệp, lĩnh vực đầu tư năng lượng... Đây là cách tập trung vào ngành nhà nước quan tâm, thị trường quan tâm. "Chúng tôi cố gắng để đầu tư hiệu quả các khoản tiền này", vị Phó tổng SCIC khẳng định.

Về đầu tư hạ tầng, đại diện SCIC cho biết đã đầu tư năm dự án điện Quảng Ninh cùng EVN, đầu tư cảng Vũng Áng. "Dự án đầu tư đang rất tốt, thậm chí bây giờ Phó Thủ tướng Lào sang Việt Nam đề nghị bán lại để Lào đầu tư", ông Hiển chia sẻ. SCIC đang tích cực nghiên cứu các dự án rồi đề xuất đầu tư như dự án nước sạch Sông Đà.

Tại hội thảo, ngoài lo ngại về việc đầu tư vốn, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM), Nguyễn Đình Cung cũng đưa ra lo ngại về việc tiền bán vốn nộp về ngân sách Nhà nước sẽ được sử dụng như thế nào. Ông Cung cho rằng, với cách chi tiêu như hiện nay khác gì bán vốn tại doanh nghiệp để ăn.

"Việc bán vốn Nhà nước ở SCIC không nhằm nộp ngân sách mà cần bàn sâu hơn vì bản chất đây là nhiệm vụ cải cách, giải pháp để chuyển kinh tế Việt Nam sang kinh tế thị trường hơn nữa", ông Cung nói.

Trả lời về vấn đề này, ông Hoàng Văn Thu, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, khẳng định không phải "bán vốn để ăn" vì trong nhiệm vụ của SCIC có bảo toàn và phát triển vốn, phần chênh lệch còn lại mới dùng trích lập các quỹ...

Với vốn tiếp nhận theo giá trị trường khoảng 15.000 tỷ đồng, sau 10 năm hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC đạt kết quả: + Thu cổ tức 25.700 tỷ đồng + Thu lãi bán vốn 19.400 tỷ đồng + Số vốn còn lại theo thị trường khoảng 99.000 tỷ đồng

Tổng cộng khoảng 144.000 tỷ đồng, gấp gần 10 lần so với số vốn tiếp nhận theo giá trị trường.

Lũy kế từ khi thành lập đến nay, số vốn chủ sở hữu của SCIC đạt trên 36.000 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 72.000 tỷ đồng. So với thời điểm thành lập, doanh thu tăng 151,3 lần, lợi nhuận sau thuế tăng 143 lần.

Thái Hoàng