Gần 20 năm khởi động, Đề án giãn dân phố Cổ vẫn đang ‘ì ạch’ triển khai giai đoạn 1
Ảnh minh họa (Nguồn: infonet)
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản trả lời cử tri Quận Hoàn Kiếm về đề nghị đánh giá việc thực hiện Đề án giãn dân phố cổ, những kết quả đã đạt được, những tồn tại cũng như phương hướng, lộ trình thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, UBND TP Hà Nội cho biết, Đề án giãn dân phố cổ được UBND thành phố quyết định phê duyệt vào tháng 1/2013, do UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức thực hiện.
Mục tiêu của Đề án nhằm nghiên cứu và đề xuất những giải pháp thực hiện nhằm làm giảm mật độ dân cư; giảm tải cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong khu vực phố cổ.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích, công trình kiến trúc có giá trị; trả lại không gian cho các công trình văn hóa, trường học, các công trình công cộng khác trong khu vực phố cổ.
Về kết quả thực hiện, hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đang thực hiện giai đoạn 1 của Đề án, gồm các dự án đầu đến (xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ) tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên và đầu đi (di dời các hộ dân ra khỏi phố cổ).
Cụ thể, Dự án đầu đến (xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ) được chia làm 4 dự án thành phần.
Bao gồm Dự án xây dựng hạ tầng xã hội khu nhà ở giãn dân (Nhà trẻ mẫu giáo): Hiện dự án đã hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ tháng 5/2016.
Dự án xây dựng hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật đô thị Khu nhà ở giãn dân, hiện nay đã thi công xong hạng mục di chuyển Trạm biến áp N19 và đã bàn giao đưa vào sử dụng.
Các hạng mục còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán của dự án, đảm bảo đủ điều kiện triển khai thi công xây dựng đồng bộ và phù hợp với tiến độ thi công dự án xây dựng nhà ở giãn dân, dự kiến vào Quý IV/2019.
Với Dự án xây dựng công trình hỗn hợp tại ô đất CT-08A, đối với lô đất diện tích 4.920m2, UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển TCT.
Đối với lô đất 8.469 m2 còn lại, UBND quận Hoàn Kiếm có trách nhiệm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và bàn giao cho cơ quan quản lý theo Quyết định của UBND Thành phố.
Hiện UBND thành phố đã có chỉ đạo xây dựng bãi xe ngầm trên diện tích này; các ngành đang hướng dẫn UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện việc lựa chọn nhà đầu tư, xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm, dự kiến tổ chức đấu giá trong quý III/2019.
Với Dự án xây dựng nhà ở giãn dân, UBND thành phố đã quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ bộ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, theo đó sẽ xây dựng 16 tòa nhà cao 10 tầng để phục vụ giãn dân phố cổ.
Hiện UBND quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành thủ tục lựa chọn Nhà đầu tư (dự kiến trong Quý III/2019) và phối hợp với Nhà đầu tư được lựa chọn tiến hành các thủ tục hành chính khác để có thể triển khai khởi công dự án dự kiến vào Quý IV/2019.
Còn với Dự án đầu đi (di dời các hộ dân ra khỏi phố cổ), UBND TP Hà Nội cho biết, hiện UBND quận Hoàn Kiếm (Ban quản lý Phố cổ) đã tổ chức rà soát, phân loại các đối tượng của 10 phường trong quận Hoàn Kiếm.
Đồng thời, xây dựng dự thảo chính sách khung làm cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ, bồi thường đối với các đối tượng nằm trong diện giải phóng mặt bằng bắt buộc và làm cơ sở tiến hành lập phương án di dời.
Tuy nhiên, quá trình di rời đang gặp phải một số khó khăn vướng mắc. Cụ thể, trong các di tích cần phải thực hiện giải phóng mặt bằng, hiện có những di tích chưa xác định được rõ khuôn viên ranh giới di tích, không gian thờ cúng cần được trùng tu nên việc thống kê số liệu còn khó khăn, chưa đầy đủ.
Dự án tổ chức di dời các hộ dân đi khỏi khu phố cổ giai đoạn 1 bao gồm nhiều đối tượng cơ chế chính sách khác nhau nên việc xác lập cơ chế còn phải đưa ra nhiều phương án chưa thống nhất.
Thêm vào đó, Dự án xây dựng nhà ở giãn dân (dự án đầu đến) chưa có các số liệu diện tích và giá bán cụ thể, chưa có cơ chế quy đổi di dời phù hợp để thông báo đến các hộ dân tham gia dự án, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án đầu đi.
UBND TP Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, UBND quận Hoàn Kiếm và Ban quản lý Phố cổ Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến các đối tượng nằm trong đề án.
Tiếp tục phối hợp với các Phòng, Ban, UBND các Phường xây dựng cơ chế, chính sách và lập phương án bồi thường hỗ trợ đến các đối tượng nằm trong diện bắt buộc di chuyển.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cho các đối tượng tự nguyện di chuyển nhằm đẩy nhanh tiến độ giãn dân.