|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sản xuất bền vững gần 30.000 tấn chè

14:10 | 17/05/2019
Chia sẻ
Nhiều dự án phát triển bền vững công - tư đã được hoàn thành như trên 10.000 nông dân trồng chè được tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lí. Gần 30.000 tấn chè được sản xuất bền vững bao gồm cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách đã được cải thiện

Tại cuộc họp thường niên đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam và đối thoại công - tư (PPP) diễn ra sáng ngày 17/5, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết thời gia qua, ngành chè đã làm tốt các vấn đề quản lí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. 

Sản xuất bền vững gần 30.000 tấn chè - Ảnh 1.

Cuộc họp thường niên đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam và đối thoại công - tư (PPP). Ảnh: Đức Quỳnh

Các công ty nhân rộng mô hình tổ đội Bảo vệ thực vật. Nhiều dự án phát triển bền vững công - tư đã được hoàn thành như trên 10.000 nông dân trồng chè được tập huấn về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lí. Gần 30.000 tấn chè được sản xuất bền vững gồm xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. 

Năm ngoái xuất khẩu chè giảm 9% về lượng nhưng giá xuất lại tăng 6%. Tiêu dùng chè trong nước tăng 15%, giá chè nội địa cũng tăng. 

Bà Hồng cho biết thêm, số lượng doanh nghiệp đạt chứng chỉ RA (Rainforest Alliance) đã tăng lên 13 doanh nghiệp. Hiện đang có thêm hai doanh nghiệp khác đang hoàn thiện thủ tục để xét duyệt chứng chỉ này.

Rainforest Alliance (RA) là một tổ chức phi chính phủ (NGO) làm việc nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và đảm bảo sinh kế bền vững bằng cách chuyển đổi tập quán sử dụng đất, tập quán kinh doanh và hành vi của người tiêu dùng.

Kết quả bà Hồng đưa ra tại cuộc họp thường niên PPP năm nay có cải thiện việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Tại cuộc họp thường niên PPP vào tháng 8/2018, bà Hồng phản ánh những rào cản trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong ngành chè. Mặc dù các doanh nghiệp làm đúng quy trình, liều lượng như trên mác sản phẩm nhưng vẫn bị rơi vào trường hợp dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá quy định.

Một số nơi thuốc không như những gì trên mác, doanh nghiệp làm đúng quy trình nhưng vẫn bị dư lượng thuôc thực vật cao. Mặt khác, một số thị trường nhập khẩu chè dễ tính của Việt Nam như Pakistan cũng đã bắt đấu siết chặt tiêu chuẩn bảo vệ thực vật.

Tại cuộc họp năm nay, đại diện Hiệp hội Chè đề xuất cần tổ chức cuộc họp giữa khối công (bao gồm các Cục và Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và khối tư liên quan trong nhóm chè Việt Nam đề thảo luận về các vấn đề ưu tiên và hoạt động trong bản Kế hoạch chiến lược ngành chè (2019 - 2023).

"Việc thảo luận giữa khối công và khối tư sẽ giúp thống nhất công việc của từng khối từ đó đưa ra các dự án nhỏ cho từng công ty một", bà Hồng nói.

Xuất khẩu chè sang Trung Quốc tăng gần gấp đôi

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 4 đạt 9,4 nghìn tấn, trị giá 15,9 triệu USD, giảm 1,5% về lượng, nhưng tăng 3,8% về trị giá so với cùng năm 2018. 

4 tháng đầu năm, xuất khẩu chè đạt 36.000 tấn, trị giá 62,6 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 15,1%.

Giá xuất khẩu chè bình tháng 4 quân là 1.700 USD/tấn, tăng 5,4% so với cùng kì năm 2018. 

Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè trong 4 tháng đầu năm đạt trên 1.700 USD/tấn, tăng 11,3%.

Trong 4 tháng, hàng chè xuất khẩu sang thị trường Pakistan tăng mạnh về lượng và trị giá so với cùng năm 2018. Tỉ trọng xuất khẩu chè sang thị trường này tăng 10,2%. Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè sang thị trường Pakistan đạt 1.962 USD/tấn, giảm 9,1%.

Theo sau là thị trường Đài Loan đạt 10,6 nghìn tấn, trị giá 20,9 triệu USD, tăng 10% về lượng và 14,4% về trị giá.

Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè sang thị trường Đài Loan đạt 1.515 USD/tấn, tăng 4%. 

Mặc dù lượng chè xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm, nhưng giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè sang thị trường này tăng mạnh. Trị giá xuất khẩu chè sang Trung Quốc đạt 7 triệu USD, tăng 94%.