|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Sân bay Hòa Lạc, Gia Lâm sẽ hoạt động cả quân sự và dân dụng

07:43 | 26/05/2024
Chia sẻ
Bộ Chính trị thống nhất bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự Gia Lâm, Hòa Lạc và xây dựng sân bay thứ hai ở Hà Nội.

Thường trực Ban Bí thư Lương Cường vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo Bộ Chính trị, hiện nay hai sân bay Gia Lâm và Hòa Lạc chỉ phục vụ hoạt động quân sự, tương lai sẽ phục vụ cả dân dụng. Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan nghiên cứu thành lập sân bay thứ hai ở Hà Nội, trong đó tính toán kỹ về sự phù hợp và tác động đến kinh tế xã hội của thủ đô, các địa phương lân cận để xác định địa điểm.

Đề xuất của Ban cán sự đảng Chính phủ về tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đi xuyên tâm qua khu trung tâm thành phố Hà Nội, qua ga Hà Nội, Bộ Chính trị đề nghị tiếp tục nghiên cứu cẩn trọng, đánh giá tính khả thi, hiệu quả cũng như sự phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch mạng lưới đường sắt.

Bộ Chính trị cho rằng, quy hoạch thủ đô cần có tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, giá trị mới trong phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Hà Nội cần được tăng cường kết nối vùng, nhất là kết nối về giao thông, logistics để phát huy thế mạnh hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, hàng không, đường sắt, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa thủ đô với các địa phương trong vùng và cả nước.

Sân bay Gia Lâm được người Pháp xây dựng năm 1935, khánh thành một năm sau, ban đầu vừa là sân bay dân dụng và quân sự. Tháng 10/1954, Việt Nam tiếp quản sân bay và sau đó chỉ có hoạt động bay quân sự. Sân bay Hòa Lạc nằm ở huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, có 3 đường băng, mỗi đường bay dài khoảng 2.200 m.

Máy bay tập huấn diễn tập ở sân bay Hòa Lạc. Ảnh: Giang Huy

Bộ Chính trị yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục rà soát phương án quy hoạch để phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của Hà Nội. Tại khu vực nội đô lịch sử, thành phố cần cải tạo, chỉnh trang đô thị trên nguyên tắc kết hợp giữa bảo tồn và phát triển, khai thác tối đa giá trị đất đai, giá trị các di tích văn hóa, lịch sử (nâng tầm bằng công nghệ số), các trụ sở cũ, các khu phố cổ, các công trình kiến trúc Pháp để lại.

Hà Nội cũng phải tiếp tục gia tăng diện tích kinh doanh thương mại, dịch vụ bằng việc khai thác đồng bộ, hiệu quả không gian trên cao, mặt đất và không gian ngầm; nghiên cứu, phát triển các mô hình kinh tế đêm đặc thù đối với từng khu vực. Hà Nội được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến an toàn, sôi động, hấp dẫn, đặc sắc có thương hiệu về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách; có năng lực cạnh tranh cao hơn so với các điểm đến khác trong nước và quốc tế.

"Cần chú trọng hơn nữa việc khai thác lợi thế sông, hồ của Hà Nội, nhất là là tiềm năng Hồ Tây, sông Hồng, sông Đuống, sông Tô Lịch", Bộ Chính trị gợi ý.

Anh Duy