|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Samsung giảm 2,3 tỷ USD trong mục tiêu lợi nhuận quý 3

17:13 | 12/10/2016
Chia sẻ
Sai lầm nối tiếp sai lầm đã khiến Samsung chịu nhiều thiệt hại trong cuộc khủng hoảng Note 7, trước mắt là lợi nhuận quý 3 sụt giảm 2,3 tỷ USD. 
Samsung Note 7. Ảnh: CNET

Sau quyết định khai tử dòng sản phẩm Note 7, Samsung tiếp tục điều chỉnh số liệu lợi nhuận quý 3. Theo Bloomberg, đây là dấu hiệu chính thức đầu tiên cho câu hỏi liệu cuộc khủng hoảng Note 7 sẽ khiến Samsung tốn kém như thế nào.

Trong tuyên bố mà công ty vừa đưa ra hôm nay, lợi nhuận ba tháng tính đến tháng 9 sau khi điều chỉnh còn 5.200 tỷ won (tương đương 4,63 tỷ USD) thay vì 7.800 tỷ wơn như trước. Doanh thu được điều chỉnh giảm 47.000 tỷ won từ 49.000 tỷ won.

"Đó là sự sụt giảm khổng lồ", Greg Roh, chuyên gia phân tích từ công ty HMC Investment Securities nhận xét. "Điều này có nghĩa là Samsung không chỉ tính toán những thất thu từ việc dừng bán Note 7, mà còn tính cả chi phí những sản phẩm còn lưu kho cũng như các linh kiện mà họ đã mua trong vài tháng qua".

Kể từ sau sự cố Note 7, đây là tuyên bố đầu tiên của công ty về cái giá của cuộc khủng hoảng, dù đây mới chỉ là công bố ban đầu. Chung Chang Won, chuyên gia phân tích từ ngân hàng Nomura ước tính trong một nghiên cứu rằng thảm họa sẽ làm hãng thiệt hại 5 tỷ USD từ nay đến năm sau. Hiện Samsung vẫn chưa công bố Note 7 sẽ còn khiến công ty thiệt hai bao nhiêu trong các quý tiếp theo.

Trong ba ngày giao dịch gần đây nhất, cổ phiếu công ty giảm giá tổng cộng 10%, thổi bay 21 tỷ USD ra khỏi giá trị thị trường.

"Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất của Samsung Electronics", Huh Nam Kwon, giám đốc đầu tư ở hãng quản lý tài sản Shinyoung Asset Management, nơi nắm giữ hơn 300.000 cổ phiếu Samsung. "Không chỉ là những thiệt hại hữu hình, sự cố này còn là cú giáng mạnh vào danh tiếng của công ty. Đáng lẽ Samsung nên cẩn trọng hơn trong việc xử lý vụ việc ngay từ đầu".

Cuộc khủng hoảng cũng được xem là liều thuốc thử đối với bộ máy lãnh đạo của Samsung. Lee Kun-hee, người đứng đầu gia tộc họ Lee vẫn giữ chức danh Chủ tịch dù ông không lui tới công ty hai năm nay vì bệnh tim. Con trai ông, Lee Jae-yong và cũng là người thừa kế vẫn chỉ là Phó Chủ tịch, chưa được giao toàn quyền do văn hóa Hàn Quốc.

"Họ đang thực sự gặp vấn đề về mặt quản trị". Shaun Rein, giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu China Market Research Group nói. Theo ông này, sự không rõ ràng về người lãnh đạo làm chậm quá trình ra quyết định.

Còn theo ông Huh đến từ Shinyoung, "bất cứ công ty nào cũng có lúc gặp khủng hoảng. Nhưng Samsung quá vội vã trong việc ra quyết định và kết quả là đã phạm sai lầm".

Vân Vũ

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).