|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Sai phạm ở Khu đô thị Celadon City: Kiến nghị thu hồi hơn 514 tỷ đồng

20:59 | 08/10/2019
Chia sẻ
514 tỷ đồng là số tiền UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho phép Công ty Tân Thắng khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp đối với diện tích đường giao thông, đất công viên cây xanh, diện tích mặt nước.
Sai phạm ở Khu đô thị Celadon City: Kiến nghị thu hồi hơn 514 tỷ đồng - Ảnh 1.

Chung cư thương mại được xây dựng trong dự án Khu Liên hợp thể dục thể thao và Dân cư Tân Thắng. (Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN)

Liên quan đến sai phạm tại dự án Khu Liên hợp thể dục, thể thao và dân cư Tân Thắng, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh (tên thương mại hiện nay là Khu đô thị Celadon City), Thanh tra Chính phủ vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thu hồi về cho ngân sách nhà nước số tiền 514 tỷ đồng trước đây Ủy ban Nhân dân Thành phố đã cho phép Công ty Tân Thắng khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp đối với diện tích đường giao thông, đất công viên cây xanh và diện tích mặt nước.

Từ ý kiến này của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7580/VPCP-V.I đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến bằng văn bản về báo cáo của Thanh tra Chính phủ, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 10/10/2019 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo Thanh tra Chính phủ, việc đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển Khu Liên hợp thể dục, thể thao và dân cư Tân Thắng được thực hiện theo quy chế Khu đô thị mới ban hành theo Nghị định số 02/2006/NĐ-CP ngày 5/1/2006 của Chính phủ, chủ đầu tư có nghĩa vụ đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng khu vực xung quanh, phù hợp với tiến độ dự án.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5081/QĐ-Ủy ban Nhân dân điều chỉnh Quyết định số 5857/QĐ-Ủy ban Nhân dân, trong đó điều chỉnh hình thức sử dụng đất từ giao đất sang thuê đất đối với diện tích hơn 82ha, trong đó cho thuê đất không thu tiền thuê đất với diện tích 34,9ha đất giao thông, cây xanh, mặt nước (đất công cộng không có mục đích kinh doanh) là chưa phù hợp với Luật Đất đai 2003.

Ủy ban Nhân dân thành phố cho Công ty Tân Thắng khấu trừ 514 tỷ đồng tiền đền bù, hỗ trợ về đất vào tiền sử dụng đất phải nộp đối với diện tích đường giao thông, đất công viên cây xanh và diện tích mặt nước là chưa phù hợp với Nghị định số 197/NĐ-CP ngày 3/12/2014 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Tháng 5/2011 Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh có tờ trình kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố khấu trừ tiền bồi thường, hỗ trợ về đất cho Công ty Tân Thắng với lý do Công ty Tân Thắng có sự tham gia góp vốn của Công ty Gamuda Land Sdn Bhd của Malaysia (chiếm 60% vốn điều lệ đăng ký lần đầu, hiện nay chiếm 98% vốn điều lệ) và dự án này thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Nghị định số 197/NĐ-CP ngày 3/12/2014 của Chính phủ nên việc hoàn trả tiền bồi thường hỗ trợ chủ đầu tư là phù hợp.

Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, lập luận này là không phù hợp bởi lẽ thời điểm Công ty Gamuda Land Sdn Bhd nhận chuyển nhượng 60% cổ phần của Công ty Tân Thắng từ Công ty Sacomreal thì công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã thực hiện xong.

Công ty Gamuda Land Sdn Bhd không trực tiếp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án nên không thể hoàn trả chi phí đền bù, hỗ trợ về đất cho Công ty Tân Thắng được.

Trước đó, TTXVN có loạt 3 bài phản ánh biến tướng dự án nhà ở tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có dự án Khu Liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng, quận Tân Phú.

Đáng chú ý, toàn bộ diện tích dự án 90,8ha đất có nguồn gốc đất công đã được giao cho doanh nghiệp làm dự án, trong đó có dự án nhà ở kinh doanh thương mại không qua đấu giá.

Trong khi người dân đang khiếu nại, chật vật tìm căn hộ tái định cư, một số cán bộ quận Tân Phú dù không thuộc diện được hưởng chế độ tái định cư vẫn được Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (gọi tắt là Công ty Sacomreal) ưu ái mua căn hộ tái định cư với giá ưu đãi.

Ban đầu dự án Khu Liên hợp thể dục, thể thao và dân cư Tân Thắng được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Trung tâm khai thác quỹ đất thành phố (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất) phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận Tân Phú, Sở Tài chính thành phố thực hiện bồi thường, hỗ trợ di dời, giải phóng mặt bằng và chịu trách nhiệm chi trả tiền cho việc bồi thường, quản lý quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng. Sau đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố chuyển dự án cho Công ty Sacomreal.

Sau khi Công ty Sacomreal đền bù 80% trên tổng diện tích đất thu hồi, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho Công ty Sacomreal thành lập công ty trực thuộc là Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Sài Gòn Thương Tín Tân Thắng (gọi tắt là Công ty Tân Thắng) tiếp tục thực hiện đầu tư dự án.

Công ty Tân Thắng sẽ kế thừa và trực tiếp điều hành, quản lý dự án trên cơ sở quyền và nghĩa vụ của Công ty Sacomreal.

Tháng 7/2010, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho Công ty Tân Thắng chuyển nhượng một phần vốn cho Công ty Gamuda Land Sdin Bhd Malaysia để tiếp tục thực hiện dự án Tân Thắng. Từ đó, Công ty Gamuda Land Sdin Bhd Malaysia trở thành cổ đông sở hữu tới 60% vốn điều lệ của Công ty Tân Thắng.

Đến tháng 6/2015, các nhóm cổ đông sở hữu 40% còn lại vốn sở hữu điều lệ của Công ty Tân Thắng, trong đó có Sacomreal hoàn tất việc bán hết cổ phần cho Gamuda Land Sdin Bhd Malaysia.

Từ đây, Công ty Tân Thắng trở thành Công ty Gamuda Land, doanh nghiệp ngoại thâu tóm toàn bộ dự án Tân Thắng.

Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư và ngay cả Ủy ban Nhân dân quận Tân Phú không thống nhất giá đền bù cho người dân, dẫn tới khiếu nại kéo dài. Các mức giá đền bù chỉ từ 1,21-12 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, Công ty Gamuda Land đã và đang tiến hành xây dựng hàng nghìn căn hộ với giá bán từ 45 triệu đồng/m2.

Trần Xuân Tình