Sai lầm lớn khi tiết kiệm khiến bạn càng ngày càng thiếu tiền
Nếu bạn không có tài khoản tiết kiệm để sử dụng trong thời gian khó khăn vì kinh tế trì trệ và bạn còn có nguy cơ giảm hoặc mất hẳn thu nhập, tình trạng của bạn sẽ rất nghiêm trọng. Dĩ nhiên, vẫn có những biện pháp mà bạn có thể dùng như xin trợ cấp hoặc vay lãi suất thấp.
Trong trường hợp chưa gặp khủng hoảng tài chính cá nhân, có lẽ đã đến lúc bạn ngừng phạm sai lầm khi tiết kiệm tiền khiến bạn càng ngày càng túng thiếu. Đặc biệt, bạn nên tránh 4 sai lầm nghiêm trọng sau:
1. Coi việc để tiền tiết kiệm là không bắt buộc
Trước khi COVID-19 bị tuyên bố là đại dịch trên phạm vi toàn cầu, kinh tế của nhiều người cũng không thực sự ở tình trạng khả quan. Thật không may, ngay cả trong những thời điểm trước đó, nhiều người tiết kiệm quá ít. Nguyên nhân chủ yếu là vì mọi người có suy nghĩ "sống cho hiện tại" hoặc "không bắt buộc phải để dành".
Thực tế là, bạn không thể không tiết kiệm tiền. Cho dù bạn đang trải qua những ngày đơn giản, đi làm, nhận lương, chi tiêu thoải mái thì rõ ràng một ngày tồi tệ bất chợt vẫn sẽ đến. Những tình huống phát sinh, ốm đau, v.v. hoặc nhẹ nhàng hơn là bạn cần tiền tiết kiệm để nghỉ hưu sau này. Có một khoản tiền để dành sẽ giúp bạn yên tâm và có khả năng ứng phó kịp thời.
Để đảm bảo bạn có sự chuẩn bị đầy đủ, bạn hãy coi tiền tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu, một "chi phí" thiết yếu. Bạn không nên chi tiền cho các khoản mua sắm xa xỉ khi vẫn đang có nợ nần hoặc có số tiền tiết kiệm chưa đủ mức cần thiết cho 6 tháng hoặc 1 năm tiền sinh hoạt.
2. Đặt mục tiêu tiết kiệm dựa trên kịch bản trường hợp tốt nhất xảy ra
Khi đặt mục tiêu tiết kiệm, cho dù là để dành cho việc đi du lịch, ốm đau hay nghỉ hưu, thông thường mọi người dễ "vẽ" ra triển vọng không thực tế, làm cho chúng có vẻ thực hiện được. Ví dụ như bạn nghĩ rằng mỗi tháng mình sẽ tiết kiệm được 5 triệu, không có bất kỳ vấn đề gì xảy ra trong quá trình đó. Tuy vậy, thực tế là sẽ có những trường hợp khiến bạn buộc phải tiêu nhiều hơn, hoặc sử dụng đến số tiền tiết kiệm của mình.
Hầu hết mọi người không hối tiếc vì đã tiết kiệm nhiều, trong khi đều tự trách vì đã để dành quá ít. Để thoát khỏi tình trạng ngày càng thiếu tiến, bạn hãy luôn tích cực trong các mục tiêu tiết kiệm.
3. Giữ nguyên mức tiết kiệm trong thời gian dài
Bạn tiết kiệm 20% tiền lương mỗi tháng, và suốt nhiều năm qua bạn vẫn luôn giữ nguyên mức này cho dù bạn tăng các khoản thu nhập bên ngoài? Thay vì gắn bó với mức tiết kiệm quá thấp hiện tại, bạn có thể thử thường xuyên tăng số tiền để dành. Bạn có thể tăng tiền tiết kiệm khi được tăng lương, có việc làm thêm, v.v.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên từ từ tăng tốc độ tiết kiệm theo thời gian. Nếu bạn đang tiết kiệm 10% thu nhập của mình, hãy tăng số tiền tiết kiệm của bạn lên 11%, đợi vài tháng và sau đó tăng lên 12%. Những thay đổi nhỏ này sẽ không ảnh hưởng đến trạng thái của bạn, nhưng có thể tăng thêm số tiền lớn trong thời gian dài và rất hữu ích cho tương lai.
4. Không tiết kiệm cho tất cả những thứ bạn cần
Mọi người biết rằng họ cần phải tiết kiệm cho kế hoạch nghỉ hưu và trường hợp khẩn cấp. Tuy vậy, thực tế là nếu bạn muốn an toàn về tài chính nhất có thể, bạn cũng nên tiết kiệm cho tất cả các chi phí thường xuyên và không thường xuyên mà bạn có khả năng gặp phải trong năm.
Bạn biết các ngày lễ và sinh nhật của bản thân, gia đình, bạn bè, vậy thì tại sao không tiết kiệm riêng một quỹ để mua quà? Bạn cũng biết rằng bạn sẽ phải bảo dưỡng và sửa xe, vậy hãy để dành một khoản riêng cho phương tiện di chuyển của mình.
Nếu bạn có nhiều tài khoản tiết kiệm với số tiền dành cho tất cả các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, bạn có thể tránh phải sử dụng quỹ khẩn cấp và tiếp tục giữ số tiền đó lâu hơn. Cho dù cuộc khủng hoảng thực sự bất ngờ xảy ra như COVID-19, bạn vẫn đảm bảo cuộc sống của mình dù mất thu nhập.