|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Rót hơn 8.300 tỉ đồng ngân sách đưa Vân Đồn vào top thành phố đáng sống của châu Á – Thái Bình Dương

18:33 | 07/06/2019
Chia sẻ
Giai đoạn 2019-2025, ngân sách tỉnh dành nguồn lực và bố trí 2.400 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng cho khu kinh tế Vân Đồn; ngân sách Trung ương được đề xuất bổ sung 2.100 tỉ đồng. Số tiền huy động nguồn lực từ đất đai khoảng 350 tỉ đồng, số thu ngân sách dành cho đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng giai đoạn 2026 – 2030. Toàn bộ số tiền này được dành để tái đầu tư.

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành kế hoạch thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư phát triển khu kinh tế Vân Đồn.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giai đoạn 2019 – 2030 theo nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 8.350 tỉ đồng.

Rót hơn 8.300 tỉ đồng ngân sách đưa Vân Đồn vào top thành phố đáng sống của châu Á – Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Khu kinh tế Vân Đồn huy động nguồn lực từ đất đai khoảng 350 tỉ đồng trong giai đoạn 2019-2025 và dành toàn bộ số thu ngân sách trên địa bàn để tái đầu tư. Ảnh minh họa.

Trong đó, ngân sách tỉnh dành nguồn lực và bố trí 2.400 tỉ đồng giai đoạn 2019-2025 để đầu tư hạ tầng cho khu kinh tế Vân Đồn.

Ngân sách Trung ương được đề xuất cân đối nguồn lực, bổ sung có mục tiêu cho khu kinh tế Vân Đồn 2.100 tỉ đồng giai đoạn 2019 – 2025.

Khu kinh tế Vân Đồn huy động nguồn lực từ đất đai khoảng 350 tỉ đồng trong giai đoạn 2019-2025 và dành toàn bộ số thu ngân sách trên địa bàn để tái đầu tư. Ước tính, số thu ngân sách dành cho đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng trong giai đoạn 2026 – 2030.

Mục tiêu của kế hoạch trên là đưa Vân Đồn trở thành một trong những động lực kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của châu Á – Thái Bình Dương.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh nêu ra 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.

Một trong những nhóm nhiệm vụ trong tâm hàng đó là phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm phát triển toàn diện hệ thống giao thông cảng hàng không, đường bộ, đường thuỷ, hạ tầng du lịch…

Cụ thể, kế hoạch nêu rõ việc nghiên cứu đầu tư, mở rộng, nâng công suất khai thác sân bay Vân Đồn đạt trên 5 triệu lượt khách và 30 nghìn tấn hàng hoá vào năm 2030.

Thu hút đầu tư xây dựng một số sân bay trực thăng (taxi trực thăng) ở các đảo để thuận tiện đi lại giữa Vân Đồn và Hạ Long; Móng Cái và một số đảo khác; phát triển loại hình thuỷ phi cơ phục vụ nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa.

Về giao thông đường bộ, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và xây dựng một số cầu kết nối từ Cẩm Phả vào khu kinh tế Vân Đồn. Bố trí vốn ngân sách đầu tư các tuyến đường xuyên đảo, đường ven biển, trục chính…

Bên cạnh đó, nâng cấp tuyến đường 334 từ cầu Vân Đồn đến cảng Vạn Hoa. Đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển, chạy dọc theo các khu đô thị mới ven vịnh Bái Tử Long theo chuẩn đường cắt ngang 44m; tuyến đường gom song song với đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và các trục đường ngang nối tuyến đường gom với đường 334 và đường ven biển; tuyến đường trục dọc xã Bản Sen và cầu đường bộ từ Bản Sen sang Quan Lạn theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, mặt đường rộng từ 7,5m đến 10m.

Đồng thời, đầu tư xây dựng mới tuyến đường Quan Lạn – Minh Châu lên đường cấp III đồng bằng, mặt cắt ngang 12m; nâng cấp tuyến đường xuyên đảo xã Ngọc Vừng, từ bến Cống Yên đến trung tâm xã và khu vực bãi biển Trường Chinh.

Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng tuyến cáp treo từ Cái Bầu ra đảo Trà Ngọ - Cái Lim.

Về giao thông đường thuỷ, Vân Đồn đặt ra nhiệm vụ trọng tâm đó là thu hút đầu tư xây dựng cảng tổng hợp Hòn Nét – Con Ong, cảng tổng hợp phía Bắc Đảo Cái Bầu, cảng khách du lịch tại khu vực Bãi Dài và tại các đảo Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Vạn Cảnh…

Nâng cấp và mở rộng cảng Cái Rồng (kéo dài đường dẫn và mở rộng cầu cảng), hoàn thiện bến cảng Quan Lạn, cảng Cồn Trụi, xây dựng đường nối cảng Cồn Trụi với đường Quan Lạn – Minh Châu, xây dựng mới bến cảng Hòn Hai (Bản Sen)…

Về phát triển du lịch cao cấp, Quảng Ninh đặt mục tiêu khai thác hiệu quả và tiềm năng về di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, kết nối với Vịnh Bái Tử Long. Mục tiêu đến năm 2030 thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 170.000 lượt khách nước ngoài đến Vân Đồn.

Về sơ sở hạ tầng du lịch, Quảng Ninh cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên, hỗ trợ và đôn đốc các nhà đầu tư chiến lược triển khai thực hiện các dự án đầu tư khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp có casino – trò chơi có thưởng.

Bên cạnh đó, hướng dẫn, đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng các tổ hợp khách sạn cao cấp tại khu vực Bãi Dài, khu đô thị Cái Rồng…

Ngoài 2 nhóm nhiệm vụ trọng tâm là đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; phát triển du lịch cấp cao thì còn có các nhóm nhiệm vụ trọng tâm khác như phát triển du lịch hiện đại; phát triển công nghiệp công nghệ cao; và về nông nghiệp là phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản bền vững với công nghệ sạch...

Khánh Hà

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.