|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Room ngân hàng tăng, vốn ngoại sẽ quay lại

13:55 | 04/10/2016
Chia sẻ
Vốn ngoại dự báo sẽ quay trở lại ngân hàng mạnh mẽ trong thời gian tới, khi tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này được nới rộng sau thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu với các nhà đầu tư tại Hong kong giữa tháng 9 vừa qua.
 3906

Tài chính – ngân hàng vẫn là lĩnh vực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề mấu chốt là “room” cho nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực này có được nới thêm trong thời gian tới hay không. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn tái cấu trúc ngành ngân hàng vừa qua, dù nhiều ngân hàng bày tỏ mong muốn bán bán cổ phần cho đối tác chiến lược ngoại và một số đối tác nước ngoài vào tìm hiểu nhưng vẫn không thành. Nguyên nhân được cho là, ngoài việc không đạt được thỏa thuận về giá bán, thì giới hạn tỷ lệ sở hữu khiến nhà đầu tư ngoại e ngại sẽ không nắm quyền chi phối ngân hàng…

Ghi nhận diễn biến của dòng vốn ngoại sau thông điệp của Chính phủ về việc khuyến khích các ngân hàng thu hút vốn ngoại vào quá trình tái cấu trúc, Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore vừa ký thỏa thuận ghi nhớ về việc quỹ này sẽ mua 7,7% cổ phần của Vietcombank. Cụ thể, GIC sẽ mua 305,8 triệu cổ phần trong đợt phát hành riêng lẻ dự kiến diễn ra vào quý IV năm nay. Giá trị của thương vụ này chưa được công bố, tuy nhiên theo một số nguồn tin thì GIC sẽ đầu tư không quá 400 triệu USD (9.000 tỷ đồng) vào Vietcombank.

Bên cạnh GIC, cổ đông chiến lược hiện hữu của Vietcombank là Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cũng dự kiến mua thêm 54 triệu cổ phiếu để giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 15%. Mizuho đã đầu tư gần 600 triệu USD vào Vietcombank hồi cuối năm 2011 và hiện khoản đầu tư này có giá trị xấp xỉ 1 tỷ USD.

Trước đó không lâu, IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới đã trở thành cổ đông của TPBank. Gói đầu tư của IFC vào TPBank trị giá 403,105 tỷ đồng (khoảng 18,3 triệu USD) thông qua hình thức mua cổ phiếu ưu đãi, cho phép IFC sở hữu 4,999% cổ phần tại TPBank. TPBank là ngân hàng thứ ba tại Việt Nam mà IFC rót vốn (sau ABBank, với tỷ lệ sở hữu 10%; VietinBank với tỷ lệ sở hữu 8,03%).

SCB vừa được NHNN chấp thuận về mặt nguyên tắc về việc được nâng room lên trên 50% cho đối tác nước ngoài. Đây là trường hợp đầu tiên được NHNN cho phép tìm kiếm đối tác nước ngoài với tỷ lệ sở hữu cao như vậy. Hiện room chính thức của ngành ngân hàng là 30% và việc nới room lên trên 50% là trường hợp ít thấy, là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu nhằm tăng thêm vốn cho SCB.

Lãnh đạo của nhiều nhà băng khác như ABBank, VPBank, Vietinbank… cho nay, họ đang hy vọng được bán cổ phần cho đối tác nước ngoài để có thêm nguồn lực tái cơ cấu. Thậm chí, một số ngân hàng nhỏ cho biết muốn bán đứt 100% vốn cho cổ đông ngoại.

Việc nhà đầu tư ngoại đầu tư rót vốn giúp ngân hàng tăng vốn điều lệ là điều cần thiết trong bối cảnh các ngân hàng đang tiến tới áp dụng chuẩn mực Basel II đợt đầu tiên, dự kiến từ tháng 2/2017, với những yêu cầu cao hơn so với quy định tỷ lệ an toàn vốn hiện hành. Việc áp dụng Basel II sẽ khiến hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng giảm, yêu cầu vốn tăng lên do ngoài rủi ro tín dụng, Basel II tính đến yêu cầu vốn đối với rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Do đó, những ngân hàng có CAR xung quanh mức 9% sẽ phải tính đến phương án tăng vốn cấp 1 hoặc cấp 2 để cải thiện CAR.

Mới đây, hàng loạt ngân hàng cũng xin được nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, như Vietcombank và VietinBank đang xin cơ quan chức năng cho phép nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên trên 30%.

Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN, ông Bùi Huy Thọ cho biết, NHNN cũng mong muốn sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình tái cấu trúc ở các ngân hàng nhỏ, yếu kém cũng như tham gia góp vốn mua cổ phần ở những ngân hàng quy mô, tăng trưởng... Ông Thọ tin tưởng, trong thời gian tới, M&A ỡ lĩnh vực ngân hàng sẽ còn có những cơ hội lớn và tiếp tục sôi động.

Theo Thùy Vinh

Đầu tư chứng khoán