Rà soát ngành hàng có nguy cơ phát triển nóng, chặn gian lận xuất xứ
Bộ trưởng Công Thương chủ trì cuộc họp triển khai đề án chống gian lận xuất xứ - Ảnh: MOIT
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp của Bộ Công Thương sáng 9-7 nhằm triển khai thực hiện đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" vừa được Thủ tướng ban hành.
Theo ông Trần Tuấn Anh - bộ trưởng Bộ Công Thương, hiện đã có hệ thống cảnh báo phòng vệ thương mại bên cạnh việc quản lý nguồn gốc qua chứng nhận xuất xứ, xây dựng cơ chế phối hợp trong khung khổ hợp tác song phương và đa phương để tạo cơ chế cảnh báo.
Tuy nhiên, bộ trưởng thừa nhận tình trạng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, thậm chí có gian lận về xuất xứ. Đặc biệt là khi tham gia vào các FTA với các ưu đãi giảm thuế quan về 0% được thực thi tới 70-80% hàng hoá, dẫn tới nguy cơ lợi dụng ưu đãi xuất xứ, đặc biệt trong các ngành hàng lớn như gỗ, gỗ dán, điện tử, da giày…
Các ngành hàng này đều có nguy cơ trở thành đối tượng của hoạt động trừng phạt thương mại hoặc áp đặt thuế quan các biện pháp phòng vệ thương mại.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Phòng vệ thương mại tập trung giải pháp đối với các ngành có nguy cơ cao như các ngành hàng đang phát tiển quá nóng, các nhóm sản phẩm xuất khẩu sang EU, Mỹ - những thị trường quan trọng đang tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, ông Tuấn Anh cho rằng cần thành lập tổ công tác để theo dõi, đảm bảo cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành tổ chức để tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tạm nhập tái xuất, nơi diễn ra nhiều hoạt động gian lận thương mại, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ", đặt ra yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu.