|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quyền lực của golf

14:51 | 18/11/2017
Chia sẻ
Du nhập vào Việt Nam khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước- thời điểm kinh tế đang bùng nổ, golf dù "sinh sau, đẻ muộn", nhưng có sự phát triển bùng nổ trên các mặt, từ số lượng sân golf cho tới số người chơi.
quyen luc cua golf
Golf (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, với đặc thù "quý tộc" của mình, golf vẫn là môn thể thao gây nhiều tranh cãi.

1. Xuất hiện tại Việt Nam vào năm 1922 khi Vua Bảo Đại cho xây 1 sân golf tại Đà Lạt, nhưng cũng phải 70 năm sau, môn thể thao này mới thực sự phát triển và phát triển nhanh đến mức đáng kinh ngạc. Theo những con số thống kê, hiện Việt Nam có tổng cộng 32 sân golf và theo phê duyệt tại Quyết định 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020, cả nước sẽ có 90 sân.

Ngoài số sân, số lượng người chơi cũng tăng nhanh chóng. Bắt đầu hồi sinh từ việc đáp ứng nhu cầu của người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, đến nay đã có trên 15.000 người chơi, trong đó số lượng người Việt chiếm đa số. Từ phong trào phát triển mạnh, golf cũng góp mặt trong hệ thống thi đấu đỉnh cao quốc gia, quốc tế.

Vượt ra khỏi lĩnh vực thể thao đơn thuần, golf còn đóng góp vào việc phát triển kinh tế cho nhiều địa phương, quốc gia; trở thành một mũi nhọn mới trong lĩnh vực du lịch, ngoại giao... Bằng chứng rõ ràng nhất là Việt Nam đã xuất sắc vượt qua hàng loạt quốc gia khác để giành số lượt bình chọn cao nhất, trở thành điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2017.

Cũng theo nhiều chuyên gia, thì dù golf tại Việt Nam đã phát triển nhanh, nhưng nếu nhìn vào tiềm năng và lợi thế, thì vẫn chưa thật xứng tầm. Tại Hội nghị Golf châu Á - Thái Bình Dương (APGS) 2017 vừa diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, ông Paul Stringer, Chủ tịch Nicklaus Design châu Á-Thái Bình Dương nhận định, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong ngành công nghiệp golf bởi không chỉ thu hút các golfer trong nước mà còn nhiều golfer nước ngoài, trong đó phải kể đến cả khách đến Việt Nam du lịch kết hợp chơi golf.

Mấu chốt là hiện dân số Việt Nam trên 90 triệu người, nhưng chưa đến 50 sân golf - không chỉ là ít so với thế giới mà ngay cả ở khu vực Đông Nam Á, vì thế, ngành công nghiệp golf Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển.

2. Những "cái được" là không thể phủ nhận, nhưng trong bối cảnh của đất nước đang phát triển, golf cũng có mặt trái và hệ lụy riêng đến đời sống xã hội. Rõ nhất và cũng gây tranh cãi nhiều nhất chính là - sân golf, mặc cho giới chuyên môn vẫn đang kêu than là còn rất ít!

Theo quy hoạch về phát triển sân golf đến 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, cả nước sẽ có 90 sân golf, tức trung bình mỗi tỉnh thành sẽ có 1,4 sân. Đây là con số đáng kể đối với một quốc gia có diện tích hẹp và vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp như Việt Nam. Trên thực tế, có nhiều dự án sân golf vẫn đang "đắp chiếu" và chiếm hữu đất hoang phí; không ít dự án khác khi triển khai đã vấp phải sự phản đối của người dân khi "bờ xôi ruộng mật" của nông dân bị biến thành sân golf. Chưa kể đến nhiều dự án sân golf được xin với mục đích... gom quỹ đất, bán bất động sản và các tiện ích liên quan.

Ngay cả việc duy trì và vận hành sân golf cũng là vấn đề. Điển hình như trường hợp sân golf tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), hay hai vụ việc liên quan đến sân golf gây bức xúc trong công luận gần đây là: Vụ phá rừng làm sân golf ở tỉnh Phú Yên, vụ lấy đất nông nghiệp làm sân golf mà Thủ tướng đã có chỉ đạo làm rõ ở tỉnh Vĩnh Phúc... Rồi để có sân golf đẹp, việc dùng hóa chất, thuốc trừ sâu... cũng là những vấn đề gây ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Một bức xúc khác là chuyện chơi golf, thậm chí còn lên cả diễn đàn của Quốc hội. Ngoài người nước ngoài tham gia, thì thực tế không thể phủ nhận còn bộ phận không nhỏ những người có điều kiện về kinh tế trong nước chơi golf, kể cả quan chức, cán bộ. Và chính những quan chức, cán bộ này là nhóm đối tượng gây tranh cãi nhất. Chuyện các bộ, ngành ra văn bản cấm cán bộ, công chức thuộc quản lý không được chơi golf, thậm chí không được chơi cả trong ngày nghỉ như Bộ Giao thông vận tải trước đây vốn không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, trong phiên họp Quốc hội đang diễn ra, có đại biểu cho rằng đó là cái quyền chơi thể dục, thể thao của cán bộ quản lý, không thể cấm...

Những tranh cãi về golf chưa dừng lại ở đây. Có lẽ nó chỉ dừng khi golf thực sự phát triển bền vững, đóng góp lợi ích vào đời sống kinh tế, xã hội của đất nước mà thôi.

Minh Đăng