|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quốc hội thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi)

20:27 | 21/11/2017
Chia sẻ
Với 89% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi) vào chiều 21/11 trong phiên họp toàn thể tại Hội trường. - Thông tin chính thống hoạt động, quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao; và thế giới...
quoc hoi thong qua lua t thu y sa n su a do i
Quốc hội thông qua Luật Thủy sản (sửa đổi) (Ảnh minh họa)

Luật Thủy sản (sửa đổi) có bố cục gồm 9 chương với 105 điều quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản.

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản trong nội địa, đảo, quần đảo và vùng biển Việt Nam; tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ở ngoài vùng biển Việt Nam.

Luật quy định nguyên tắc hoạt động thủy sản là: Kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Khai thác nguồn lợi thủy sản phải căn cứ vào trữ lượng nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học; tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thủy sản để bảo đảm phát triển bền vững.

Thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động phòng, chống thiên tai; bảo đảm an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản; phòng, chống dịch bệnhthủy sản, bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Bảo đảm chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản hoặc hoạt động trong ngành, nghề có ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi thủy sản. Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Theo Luật, những hành vi cấm trong hoạt động thủy sản gồm: Hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản. Cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản. Lấn, chiếm, gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn biển. Khai thác, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình và các hoạt động khác ảnh hưởng đến môi trường sống, nguồn lợi thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển.

Tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác hoạt động trái phép trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển, trừ trường hợp bất khả kháng. Khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản…

Luật cũng dành 1 chương (Chương VI) quy định về kiểm ngư, trong đó nêu rõ chức năng của kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng bảo đảm thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Luật Thủy sản số 17/2003/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Về quy định chuyển tiếp, Luật sửa đổi mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hải sản quy định tại điểm d Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính như sau: “Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thủy sản đối với cá nhân là 1.000.000.000 đồng”.

Các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ, văn bản chấp thuận trong lĩnh vực thủy sản đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thì được sử dụng cho đến khi hết thời hạn. Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật đã được ban hành trước khi Luật này có hiệu lực thì tiếp tục được áp dụng cho đến khi bị bãi bỏ hoặc thay thế./.

Nguyễn Hoàng