|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quốc hội thông qua Luật Thanh tra, Luật Dầu khí

15:04 | 14/11/2022
Chia sẻ
Sáng 14/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thanh tra và Luật Dầu khí (sửa đổi). Trong đó bao gồm nhiều điểm mới như cho phép thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc bộ hay quy định cụ thể về hoạt động khai thác dầu khí.

Với 459 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật, chiếm 92,17%, Luật Thanh tra (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao. Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng được thông qua khi có 472 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Luật, chiếm 94,78%.

Cho phép thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, theo Luật Thanh tra hiện hành thì thì không thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập tại Tổng cục, Cục thuộc Bộ nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý thì Luật Thanh tra cho phép Chính phủ xem xét giao một số cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Qua tổng kết thi hành Luật cho thấy, ở một số nơi, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành như trên đã bộc lộ bất cập, hạn chế. Bên cạnh đó, một số luật được ban hành sau Luật Thanh tra năm 2010 đã quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng  (Ảnh: Quốc hội).

Vì vậy, trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ đã đề nghị thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ để có cơ sở sắp xếp, kiện toàn một bước tổ chức bộ máy làm công tác thanh tra chuyên ngành theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Quá trình xem xét, cho ý kiến về dự án Luật, các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan đều cơ bản nhất trí hướng đổi mới này. Việc thành lập cơ quan thanh tra tại Tổng cục, Cục được thực hiện trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị và đội ngũ công chức hiện có đang làm nhiệm vụ thanh tra nên không làm phát sinh tăng tổng số đơn vị trực thuộc và biên chế của các Tổng cục, Cục, bảo đảm phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là “Việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy không được tăng thêm đầu mối và biên chế”.

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định về các tiêu chí, điều kiện thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ như tại khoản 2 Điều 18; đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại khoản này đã bổ sung quy định “Việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của Tổng cục, Cục thuộc Bộ” để bảo đảm chặt chẽ. Căn cứ quy định của Luật và yêu cầu thực tiễn, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra tại các Tổng cục, Cục cụ thể.

Về cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về tổ chức Thanh tra Bảo hiểm xã hội, bao gồm Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Thanh tra Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Nghiêm cấm hành vi lợi dụng điều tra dầu khí gây ô nhiễm môi trường

Với Luật Dầu khí (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết,về chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đây là chính sách mới của dự thảo Luật với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.  

Về các hành vi bị nghiêm cấm, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo đã bổ sung hành vi lợi dụng điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí gây ô nhiễm môi trường. 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh (Ảnh: Quốc hội).

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được chỉnh sửa theo hướng quy định hai khoản riêng về trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đối việc quyết định thời gian tạm dừng thực hiện một số quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng dầu khí trong trường hợp: Bất khả kháng và vì lý do quốc phòng an ninh, bảo đảm phù hợp, chặt chẽ. 

Đối với chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt trong hoạt động dầu khí, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội  giữ quy định sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, không quy định trực tiếp chính sách ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt trong hoạt động dầu khí.

Về quản lý nhà nước về dầu khí, Dự thảo Luật chỉ quy định về trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Điều 66) gắn với quy định phân cấp cho Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong hoạt động dầu khí (Điều 63) có nội dung khác với quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp hiện hành.

Dự thảo Luật không quy định điều kiện về vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng quyền lợi tham gia và trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho ý kiến đối với nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết. 

 

Hạ An