Quốc hội họp từ ngày 23/10 - 29/11, sẽ ban hành Nghị quyết liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, khai mạc vào ngày 23/10/2023 và dự kiến bế mạc vào ngày 29/11/2023.
Trong thông báo vừa được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023. Đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 29/11/2023.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Do đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ: kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung ba dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao; dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và Indonesia.
Sẽ ban hành Nghị quyết liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu
Các chính sách liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu đang nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong nước và cả những nhà đầu tư nước ngoài.
Từ năm 2021, OECD đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột, trong đó Trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế. Đến nay, Khung giải pháp Hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước là thành viên IF.
Đối với các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài, về cơ bản sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%). Như vậy, nếu Việt Nam có mức thuế thấp thì các quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,…sẽ thu thêm phần chênh lệch.
Dù đây không phải là điều ước quốc tế hay cam kết quốc tế, song nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) đang hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn mức 15%.
Vì vậy, để thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế và giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu, Nghị quyết sắp tới dự kiến sẽ quy định hai nhóm nội dung chính. Một là, quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn. Hai là, quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu.
Chính phủ hiện đang xây dựng dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023.