|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quán quân Vietcombank giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận nhờ cắt giảm 40% chi phí dự phòng

19:19 | 30/07/2024
Chia sẻ
Trong quý II, việc cắt giảm chi phí dự phòng đã giúp cho Vietcombank duy trì được mức tăng trưởng dương của lợi nhuận trước thuế trong bối cảnh thu nhập từ cả mảng tín dụng và phi tín dụng của Vietcombank đều sụt giảm.

Cắt giảm 40% chi phí dự phòng trong quý II

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận quý II đạt hơn 10.116 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, luỹ kế 6 tháng đầu năm đạt 20.834 tỷ đồng, tăng 1,6%. Với kết quả này Vietcombank đang giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận của ngành ngân hàng đến thời điểm hiện tại.

Theo số liệu được công bố, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng ghi nhận giảm trong cả quý II và 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân đến từ việc giảm lãi thuần từ gần như tất cả mảng kinh doanh chính của ngân hàng.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của Vietcombank giảm 0,8%, lãi thuần từ dịch vụ giảm 4,5% trong khi lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối và chứng khoán kinh doanh giảm lần lượt 26% và 76% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh khác  cũng giảm 60% so với 6 tháng đầu năm 2023 chỉ mang về hơn 532 tỷ đồng.

Cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro (hơn 40% trong quý II và 33,7% trong nửa đầu năm) đã giúp cho lợi nhuận trước thuế của ngân hàng quay đầu tăng trưởng dương.

Vietcombank là một trong những ngân hàng có mức chi bình quân cho nhân viên tương đối cao với 41,2 triệu đồng mỗi tháng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

 

Bộ Tài Chính gửi hơn 62.500 tỷ tại Vietcombank

Tính đến 30/6/2024, tổng tài sản của Vietcombank tăng 3,6% đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 7,8%. Số dư tiền gửi của ngân hàng giảm nhẹ 1,5% từ gần 1,4 triệu tỷ cuối năm trước về hơn 1,37 triệu tỷ đồng.

Đáng lưu ý, số dư tiền gửi của Bộ Tài Chính tại Vietcombank tăng đột biến từ gần 670 tỷ cuối năm trước lên 62.534 tỷ đồngvào cuối quý II. Chi phí lãi tiền gửi phát sinh cho Bộ Tài chính trong nửa đầu năm là hơn 195,6 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước là 669 tỷ đồng).

 

Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 32% với tổng nợ nhóm 3 đến nhóm 5 là 16.446 tỷ đồng đưa tỷ lệ nợ xẩu của Vietcombank từ 0,98% lên 1,2%, vẫn ở mức thấp so với mặt bằng trong ngành.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm ngân hàng đã tăng hơn 21% số dư dự phòng rủi ro, tương đương tăng 6.200 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhẹ từ 230% về 212%.

Trong cơ cấu các nhóm nợ của Vietcombank, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 75%,  nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 17,4% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng gần 28% trong khi nợ cần chú ý (nhóm 2) lại giảm 13%.

 Nguồn: BCTC Vietcombank.

Tính đến hết tháng 6, Vietcombank còn 12.828 tỷ đồng cho vay các tổ chức tín dụng khác, trong đó đã trích lập dự phòng 1.000 tỷ đồng.