|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quản lý thị trường xử lý 88.000 vụ vi phạm gian lận thương mại

19:43 | 14/11/2016
Chia sẻ
Những trường hợp bị phát hiện và xử lý về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chủ yếu ở các mặt hàng thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc lá

Theo Bộ Công Thương, trong 10 tháng đầu năm, Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 145.000 vụ, xử lý gần 88.000 trường hợp vi phạm, thu về cho ngân sách nhà nước trên 523 tỷ đồng tiền phạt.

quan ly thi truong xu ly 88000 vu vi pham gian lan thuong mai

Những vụ vi phạm chủ yếu là về các mặt hàng thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc lá

(Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp)

Cụ thể, lực lượng chức năng đã xử lý 13.893 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt vi phạm hành chính 29,6 tỷ đồng, tang vật thu giữ trị giá 20,4 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm bị thu giữ gồm rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, sữa, dầu thực vật, rau, củ nông sản, gia súc, gia cầm, thủy hải sản, thực phẩm các loại…

Đơn vị còn kiểm tra 4.891 trường hợp về mặt hàng phân bón, xử lý 1.522 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 61,42 tỷ đồng. Mặt hàng bị tịch thu, tiêu hủy hoặc buộc tái chế gồm hàng chục tấn phân nhập lậu, phân bón giả hoặc quá hạn sử dụng, 1.600 bao bì giả mạo nhãn hiệu, 02 máy khâu bao bì…

Ngoài ra, 515 vụ vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật, xử phạt hành chính hơn 1,5 tỷ đồng, thu giữ, tiêu hủy và tịch thu hàng chục nghìn chai thuốc bảo vệ thực vật, phân bón quá hạn sử dụng, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu…

Với thuốc lá ngoại nhập lậu, 4.859 vụ bị phát hiện, trong đó, hơn 1.000 vụ vi phạm về vận chuyển, hơn 3.000 vụ vi phạm về kinh doanh. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 25,74 tỷ đồng. Hơn 966.000 bao thuốc lá các loại, 32 xe ô tô, 695 xe máy, 32 phương tiện khác bị tịch thu; 103 vụ được chuyển cho cơ quan điều tra.

Kết quả báo cáo của lực lượng Quản lý thị trường nhận định tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn xảy ra và có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện địa hình tuyến biên giới phức tạp, lực lượng kiểm soát còn mỏng, phải quản lý trên địa bàn rất rộng; nhân dân vùng biên giới cho thuê nhà làm kho chứa hàng lậu, vận chuyển thuê hàng lậu; thậm chí còn có cán bộ không tích cực đấu tranh hoặc làm ngơ, để đối tượng buôn lậu lợi dụng…

Lợi nhuận từ các vụ buôn bán trái phép quá lớn khiến các đối tượng bất chấp việc bị xử phạt. Ngoài ra, những vướng mắc về chính sách cũng gây khó khăn cho việc kiểm tra và xử lý vi phạm.

Ví dụ, chi phí theo dõi, kiểm tra, bắt giữ, tiêu hủy hàng hóa rất tốn kém nhưng kinh phí được cấp còn khó khăn; trang thiết bị và điều kiện làm việc thiếu thốn, lạc hậu, công cụ hỗ trợ và thiết bị phụ trợ chưa được trang bị đầy đủ...

Thời gian tới, công tác trọng tâm được xác định là tập trung thực hiện chỉ đạo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật; thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Đặc biệt, trách nhiệm của người đứng đầu được đề cao, nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại kéo dài hoặc nghiêm trọng trên địa bàn thì người đứng đầu phải bị luân chuyển công chức, nhất là tại các vị trí dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Linh Lê