|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quản lý dòng tiền sao cho hợp lý trong thời kỳ kinh tế suy giảm

07:15 | 09/11/2021
Chia sẻ
Trong thời kỳ kinh tế gặp nhiều khó khăn vì đại dịch COVID-19, nhiều người rơi vào tình cảnh khó khăn, thiếu thốn thì việc quản lý dòng tiền lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Không chỉ tại Việt Nam mà ở nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, kinh tế cũng đang rất khó khăn, nhất là khi tỷ lệ lạm phát tăng cao. Theo CNBC, rất nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra, chủ yếu là phân tích và dự đoán tiềm năng phục hồi của nền kinh tế. Không ai biết liệu kinh tế có tăng trưởng với mức tăng vọt khi mở cửa trở lại hoàn toàn hay chỉ ở tốc độ chậm. Nếu bạn bị ảnh hưởng tài chính từ cuộc suy thoái thì chắc chắn bạn cũng sẽ tự hỏi liệu mình có thể phục hồi sớm như thế nào và nên quản lý dòng tiền ra sao.

Cách quản lý dòng tiền khi kinh tế khó khăn

Bà Winnie Sun, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Sun Group Wealth Partners tại Irvine, bang California nước Mỹ, cho biết: “Suy thoái có thể có ảnh hưởng rất lớn đối với rất nhiều người. Tuy nhiên, tin tốt là có những bước bạn có thể thực hiện để quản lý ‘sức khỏe tài chính’ của mình”.

Học cách quản lý dòng tiền trong thời kỳ suy thoái kinh tế - Ảnh 1.

Kiểm soát dòng tiền khi kinh tế khủng hoảng là một kỹ năng giúp bạn tự chủ tài chính. (Nguồn: Finance 101)

Theo bà Winnie Sun, nếu bạn đang cảm thấy hoảng sợ, lo lắng quá nhiều về tiền bạc thì điều đầu tiên bạn nên làm sẽ là sắp xếp hợp lý trở lại mọi việc, mọi kế hoạch. Cụ thể thì bà Sun nói rằng bạn hãy tạm dừng lại và đánh giá chính xác nhất có thể về dòng tiền của mình.

Tốt nhất, bạn hãy xây dựng báo cáo tài chính cá nhân, bao gồm thu nhập, chi tiêu hàng tháng, các khoản tiết kiệm, tài sản bạn đang đầu tư để chuẩn bị cho tương lai, bảo hiểm, hưu trí. “Hãy thực hiện quá trình tìm hiểu ngân sách của bạn, bao nhiêu tiền bạn đã bỏ ra và dòng tiền của bạn sẽ đi đâu”, bà Sun nói.

Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải chậm và ổn định. Bạn hãy nghĩ về những cách bạn có thể tiết kiệm một cách nhất quán và tiết kiệm nhiều hơn. Dù dòng tiền của bạn như thế nào thì việc để tiết kiệm hiệu quả cũng không bao giờ là thừa. Ngoài ra, đừng quên tính toán các nhu cầu thiết yếu như thuê nhà, trả nợ mua nhà, điện nước, sinh hoạt hàng tháng và thuốc men.

Khi xem xét danh sách, bạn có thể nhận ra rằng nhiều khi, dòng tiền của bạn đã chảy đến những nơi không cần thiết. Căn cứ vào đó, bạn có thể loại trừ đi tất cả các khoản chi tiêu không bắt buộc, cắt giảm ở những khoản đó khi tài chính eo hẹp. Một số mẹo quan trọng khác gồm có:

1. Sẵn sàng thương lượng về các khoản nợ

Nếu bạn đang có các khoản nợ chưa thể trả ngay, chẳng hạn như thẻ tín dụng hoặc khoản vay sinh viên thì đừng ngại trình bày và thương lượng với các bên liên quan. Bạn có thể hỏi ngân hàng về sự hỗ trợ nếu có, hỏi người cho vay bên ngoài xem họ có thể linh động hay không. Thực tế, bạn có thể ngạc nhiên trước kết quả. Cho dù không thể được xóa nợ nhưng được hoãn nợ cũng giúp bạn đỡ áp lực tài chính trong thời điểm khó khăn.

2. Để dành tiền mặt

Cũng như ý kiến chuyên nghiệp của nhiều chuyên gia tài chính khác, tốt nhất thì bạn nên có ít nhất 6 tháng chi phí sinh hoạt trong trường hợp khẩn cấp. Để ước tính số tiền bạn sẽ cần, hãy xem lại các khoản sinh hoạt phí cả tháng của bạn trong 4 tháng vừa qua rồi lấy mức trung bình, nhân lên 6 lần rồi để dành tiền cho quỹ khẩn cấp.

3. Đầu tư khi bạn có thể

Cuối cùng, nếu bạn vẫn có thu nhập thì đừng để tiền nghỉ. Dòng tiền cần được vận hành đúng cách để đảm bảo an toàn tài chính cho bạn. Dù chậm nhưng hãy đầu tư vào những gì ổn định để tiền của bạn tăng dần lên theo thời gian. Ở lĩnh vực đầu tư, bạn nên tìm hiểu kỹ để tránh trường hợp thua lỗ, mất trắng, bị lừa đảo hoặc sai luật và bị phạt.

Thu Phương