|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

PVN thoái vốn lĩnh vực nhạy cảm: Góc nhìn từ PVI, thoái sao, sao thoái?

15:30 | 01/04/2019
Chia sẻ
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, PVN phải thoái vốn trong các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, quỹ đầu tư, chứng khoán và bảo hiểm. Công tác thoái vốn tại các lĩnh vực này của PVN đang gặp những khó khăn, điển hình là trường hợp thoái vốn tại Bảo hiểm PVI.

Thoái vốn các lĩnh vực nhạy cảm, PVN cần làm đúng về ngành dầu khí

Bộ Tài chính đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tập trung đẩy nhanh thoái vốn tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực nhạy cảm gồm bất động sản, quỹ đầu tư, chứng khoán và bảo hiểm.

Trước đó, theo công văn 1182 phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc PVN thực hiện sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020. Chính phủ yêu cầu hạn cuối cùng năm 2018, PVN thoái toàn bộ vốn tại CTCP PVI, CTCP Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An, CTCP Phát triển Đông Dương Xanh, CTCP Bất động sản Dầu khí SSG.

PVN thoái vốn lĩnh vực nhạy cảm: Góc nhìn từ PVI, thoái sao, sao thoái? - Ảnh 1.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính

Theo chia sẻ mới đây của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Chủ tịch mới của PVN, vừa qua đã cơ cấu lại và giảm rất nhiều đầu mối, từ đó giảm được nhiều chi phí, giảm bớt chi phí hành chính, giảm bớt các phương tiện và biết được đâu là điểm mạnh đâu là điểm yếu.

"Khi cơ cấu lại chúng ta sẽ thấy ngành dầu khí thì chỉ làm đúng những ngành về dầu khí như dầu khí thăm dò, sản xuất những sản phẩm về mặt khoáng dầu… chứ không thể làm bất động sản hay ngân hàng được. Có lộ trình rõ ràng để khi đó chúng ta làm kế hoạch chiến lược 5 năm thì không cần phân tán nguồn lực vào những ngành không cần thiết nữa, tập trung xử lý và đầu tư vào ngành chính, đầu tư cả con người và công nghệ", ông Tiến đánh giá.

PVN đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm, hiệu quả ra sao

Việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, quỹ đầu tư, chứng khoán và bảo hiểm của PVN có những hiệu quả khác nhau. 

Trường hợp của PVI, doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh khởi sắc với việc doanh thu liên tục tăng trưởng trong ba năm gần đây. Năm 2018, PVI có doanh thu 9.590 tỉ đồng, tăng 15,3% so với năm 2018; lợi nhuận sau thuế 745 tỉ đồng, tăng hơn 9%.

PVN thoái vốn lĩnh vực nhạy cảm: Góc nhìn từ PVI, thoái sao, sao thoái? - Ảnh 2.

Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Trường hợp khác, việc PVN nắm giữ 31,82% vốn điều lệ CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An không cho thấy sự hiệu quả. Năm 2018, công ty này lỗ 13 tỉ đồng, nâng mức lỗ lũy kế lên gần 33 tỉ đồng. Dù vốn điều lệ lên đến 1.100 tỉ đồng, nhưng công ty này đã không có doanh thu trong hai năm gần đây.

Trong lĩnh vực chứng khoán cũng mấy khả quan, PVN đang sở hữu gián tiếp 51,17% vốn điều lệ của CTCP Chứng khoán Dầu khí (Mã: PSI) thông qua Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank). Trên báo cáo tài chính của Chứng khoán Dầu khí, tính đến 31/12/2018, doanh nghiệp này đang lỗ lũy kế 47,1 tỉ đồng.

Chưa nới room, 'cửa' bán vốn cho khối ngoại tại PVI hẹp lại

Nhìn vào thực tế, việc thoái vốn của PVN trong lĩnh vực nhạy cảm đã gặp "thế khó' ở đâu, thì câu chuyện bán vốn tại Bảo hiểm PVI là một minh chứng.

PVN thoái vốn lĩnh vực nhạy cảm: Góc nhìn từ PVI, thoái sao, sao thoái? - Ảnh 3.

Tòa nhà PVI Tower

Hiện PVN đang sở hữu 35,47% vốn điều lệ tại công ty này.  Trong ĐHĐCĐ năm 2018, ông Bùi Vạn Thuận, Tổng Giám đốc PVI, chia sẻ việc thoái vốn của PVN ảnh hưởng trực tiếp đến lý do PVI chưa nới room (tỉ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài – PV). Theo đó, một thế lưỡng nan được đặt ra cho PVI, nếu PVN chưa thoái vốn xong, công ty chưa thể bán bất động sản là tòa nhà PVI Tower. Khi việc quản lý tòa nhà vẫn còn trong hoạt động kinh doanh của PVI, công ty không thể thực hiện nới room.

Đáng chú ý, câu chuyện về nới room tại PVI không phải là một chủ đề mới, tại ĐHĐCĐ năm 2017, các cổ đông đã thông qua tờ trình tăng tỉ lệ sở hữu tối đa của cổ đông nước ngoài từ 49% lên 100%. Sau hai năm, việc nới room của Bảo hiểm PVI vẫn dậm chân tại chỗ.

Hiện nay, PVI có hai cổ đông lớn là nhà đầu tư nước ngoài nắm 47,95% vốn điều lệ gồm HDI Global SE (sở hữu 36,22% vốn điều lệ) và Funderburk Lighthouse Limited (sở hữu 11,73%). 

Funderburk Lighthouse Limited đã trở thành cổ đông chiến lược của PVI trong đợt chào bán riêng lẻ đầu tháng 7/2010 và sở hữu 12,65% vốn điều lệ của công ty tại thời điểm đó với giá 40.000 đồng/cp.

Diễn biến mới đây, HDI Global SE đăng kí mua vào 1,8 triệu cổ phiếu PVI từ ngày 25/2 đến ngày 22/3 theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Tuy nhiên, kết quả tổ chức này không mua vào cổ phiếu nào.

Theo thông tin từ báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán BSC, cổ đông lớn của PVI là HDI Global SE thuộc Tập đoàn Bảo hiểm Talanx của Đức thể hiện quyết tâm muốn mua lại cổ phần sở hữu của PVN. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng, PVI trở thành công ty con HDI và sẽ được nhận mức đánh giá (rating) tương đương của công ty mẹ là A (cao hơn so với mức đánh giá của tất cả công ty bảo hiểm tại Việt Nam là B++) là điều kiện để PVI mở rộng hoạt động sang khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, nếu việc nới room tại PVI chưa được thực hiện, "cửa" để một nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần thoái vốn tại PVN hẹp lại. Khi đó, việc mua cổ phần thoái vốn PVI thông qua một công ty trong nước giống như thương vụ bán vốn tại Sabeco là một phương án tối ưu.

Phan Quân