|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PTT Trịnh Đình Dũng: Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến Việt Nam

15:07 | 09/11/2019
Chia sẻ
Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam nói chung và đến với khu vực miền Trung.

Sáng 9/11, tại Khu phức hợp Thaco Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, lần đầu tiên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội liên hiệp doanh nghiệp Hàn Quốc Nam Á và Đông Nam Á, cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị thượng định kinh doanh Việt Nam – Hàn Quốc.

PTT Trịnh Đình Dũng: Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến Việt Nam - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu. Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN

Hội nghị nhằm thỏa thuận các chính sách, định hướng hợp tác giữa Việt Nam – Hàn Quốc trong các lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo và công nghệ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, sự kiện này là cơ hội để chính phủ 2 nước trao đổi, chia sẻ về tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp tác phát triển trong giai đoạn mới; góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Việt Nam đang trở thành địa điểm đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hợp tác kinh tế được đầu tư duy trì nhanh và ổn định đạt được nhiều kết quả quan trọng với 8.190 dự án đầu tư có tổng vốn đầu tư đăng ký 65,7 tỷ USD.

Hiện nhà đầu tư Hàn Quốc giữ vai trò tích cực trong một số lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Việt Nam như: may mặc, điện tử, ô tô, xây dựng, dịch vụ…; đứng vị trí thứ 2 về thương mại năm 2018 với giá trị 65,8 tỷ USD và 8 tháng năm 2019 đạt 44 tỷ USD.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao việc cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ giữ vai trò tiên phong trong hợp tác đầu tư mà còn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Hiện Việt Nam đang đưa ra nhiều chính sách để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trọng tâm tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.

Theo đó, Việt Nam đã khởi động chương trình “Made in Vietnam 4.0”, Phó Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp Hàn Quốc hãy đến và tạo ra các sản phẩm 4.0 ở Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam tiếp tục tập trung phát triển thể chế, hạ tầng đồng bộ, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường thuận lợi để huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước cho đầu tư phát triển; trong đó có Hàn Quốc.

Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, toàn diện và hiệu quả hơn với Hàn Quốc trên nền tảng chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau để gắn kết thế mạnh, tiềm năng của hai quốc gia; đồng thời khuyến khích hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp hỗ trợ, vật liệu mới, nông nghiệp công nghệ cao, thông tin, năng lượng, hạ tầng, môi trường, đô thị thông minh... Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

PTT Trịnh Đình Dũng: Chính phủ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến Việt Nam - Ảnh 2.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc với VCCI. Ảnh: Trần Tĩnh - TTXVN

Thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp hai nước cần tiếp tục chia sẻ những ý tưởng mới, giải pháp sáng tạo để hỗ trợ cho các chương trình, dự án khởi nghiệp và hợp tác hiệu quả, phát huy tiềm năng, thế mạnh để trở thành lực lượng tiên phong trong hợp tác và liên kết kinh tế.

Chính phủ Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đến Việt Nam nói chung và đến với khu vực miền Trung; trong đó có tỉnh Quảng Nam để doanh nghiệp hai bên hợp tác đầu tư kinh doanh hiệu quả.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động thì hợp tác cùng nhau phát triển là một xu hướng tất yếu và Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế; trong đó có Hàn Quốc.

Môi trường chính trị ổn định cũng là điều kiện quan trọng để các nhà đầu tư có thể yên tâm phát triển kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao từ 6,5 đến 7% liên tục trong nhiều năm qua.

Đến nay, Việt Nam thu hút được hơn 2.900 doanh nghiệp FDI từ 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn cam kết khoảng 357 tỷ USD. Xu hướng Việt Nam đang trở thành công xưởng của thế giới và là điểm đến an toàn của nhà đầu tư; trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế lớn từ Hàn Quốc đang kinh doanh và rất thành công như: Sam Sung, LG, Huyndai, Kia…

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh hàng đầu JCI 4.0 của Việt Nam năm 2019 đứng 67/100 quốc gia. Chỉ số quan sát doanh nhân toàn cầu JM xếp thứ 15/54 nền kinh tế được xếp hạng.

Trong xu thế lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển sang nền kinh tế số.

Với mục tiêu nâng kim ngạch, thương mại với Hàn Quốc lên 100 tỷ USD vào năm 2020, Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ thương mại song phương theo hướng cân bằng. Việt Nam mong muốn Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để hàng nông – lâm – thủy sản, nhiệt đới, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như hàng dệt may, gỗ, cao su,… tiếp cận với thị trường của Hàn Quốc.

Đồng thời, Việt Nam cũng sẵn sàng tiếp nhận các mặt hàng mà Hàn Quốc có thế mạnh.

Hiện Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đổi mới, sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển toàn diện; hướng tới nền kinh tế số có sức sáng tạo cao. 

Theo tổ chức Sở hữu trí tuệ, chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2018 của Việt Nam xếp hạng thứ 45/126 quốc gia. Việt Nam có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển và thu hút nhiều vốn đầu tư trong nước và quốc tế.

Trần Tĩnh

Đánh thuế BĐS: Kiểm soát đầu cơ hay tạo thêm gánh nặng?
Nếu chỉ áp dụng mỗi biện pháp đánh thuế thì sẽ khó ngăn chặn hiệu quả việc thao túng giá bất động sản mà ngược lại còn có tác dụng tiêu cực nếu chính sách tiền tệ và tài khóa đi theo xu hướng ngược lại là hỗ trợ tăng trưởng.