|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

PMI tháng 2 đạt 54,2 điểm, sản xuất lấy lại đà tăng trưởng

09:34 | 01/03/2017
Chia sẻ
Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng Purchasing Managers’ Index (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã tăng lên 54,2 điểm so với 51,9 điểm trong tháng 1. Điều này cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện mạnh mẽ, và đây là mức cải thiện cao nhất kể từ tháng 5/2015. Sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện trong suốt 15 tháng qua.

pmi thang 2 dat 542 diem san xuat lay lai da tang truong

Cụ thể, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã lấy lại được đà tăng trưởng trong tháng 2, với sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ nhanh hơn và các công ty tăng tồn kho hàng mua với tốc độ cao lỷ lục. Trong khi đó, mức độ lạc quan trong kinh doanh đã được cải thiện đáng kể. Tốc độ tăng giá đầu vào đã chậm lại đôi chút, nhưng mức tăng mạnh của gánh nặng chi phí gần đây đã làm các công ty phải tăng giá đầu ra nhanh hơn.

Sản lượng ngành sản xuất đã tăng tháng thứ tư liên tiếp khi có các báo cáo cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên. Hơn nữa, tốc độ tăng sản lượng đã nhanh hơn thành mức cao của 21 tháng. Sản lượng tăng ở các lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng mạnh và nhanh hơn trong tháng 2, với tốc độ tăng là mạnh nhất kể từ tháng 5/2015. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng nhanh hơn trong tháng khi các công ty báo cáo nhu cầu của khách hàng quốc tế được cải thiện.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên dẫn đến lượng công việc tồn đọng đã tăng tháng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ tăng chỉ là khiêm tốn và là chậm hơn so với tháng 1. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng cũng góp phần làm tiếp tục tăng việc làm trong tháng 2. Lần tăng gần đây nhất là mạnh và nhanh hơn mức trung bình trong dài hạn. Lượng nhân công đã tăng trong suốt 11 tháng qua.

Mức độ lạc quan trong kinh doanh đã cải thiện đáng kể và đạt mức cao của một năm. Sự lạc quan được dựa trên các kế hoạch phát triển của công ty cùng với kỳ vọng nhu cầu của khách hàng tiếp tục tăng. Mức độ lạc quan này được phản ánh trong thái độ của các nhà sản xuất đối với chính sách hàng tồn kho trong tháng 2. Tồn kho hàng mua đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử khảo sát kéo dài sáu năm trong bối cảnh hoạt động mua hàng đang mạnh và nhanh.

Tồn kho hàng thành phẩm cũng tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2015 trong bối cảnh sản lượng tăng trưởng mạnh hơn. Tốc độ tăng chi phí đầu vào vẫn đáng kể trong tháng 2, mặc dù đã chậm lại một chút so với đầu năm 2017. Các thành viên nhóm khảo sát cho rằng chi phí nguyên vật liệu tăng và tình trạng giảm giá của tiền đồng so với đô la Mỹ đã làm tăng giá các mặt hàng nhập khẩu. Để đối phó với chi phí đầu vào tăng, các công ty đã tăng giá cả đầu ra và mức tăng là lớn nhất trong thời kỳ ba tháng.

Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, công ty thu thập kết quả khảo sát Markit cho biết: "Có một số khía cạnh trong báo cáo chỉ số PMI mới nhất của ngành sản xuất của Việt Nam cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện ở mức cao nhất kể từ tháng 5/2015. Tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới đã nhanh hơn, từ đó hỗ trợ sản lượng tăng nhanh hơn.

Trong khi đó, mức độ lạc quan về triển vọng một năm tới đã dẫn đến tăng tồn kho hàng mua, trong khi số lượng đơn đặt hàng mới và hoạt động mua hàng tăng mạnh đã tạo áp lực về năng suất lên các nhà sản xuất và cả các nhà cung cấp của họ. Hy vọng điều này có thể dẫn đến việc tăng thuê mướn nhân công trong những tháng tới khi các công ty điều chỉnh năng lực hoạt động của họ cho phù hợp với khối lượng công việc cần thực hiện. Sức khỏe của lĩnh vực sản xuất sẽ phải tạo lực đẩy cho toàn bộ nền kinh tế".

Phạm Hưng