|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Ba nhà mạng chỉ ra những bất cập khi thí điểm Mobile Money, đề xuất bỏ yêu cầu về thời gian sử dụng thuê bao

16:06 | 11/05/2022
Chia sẻ
Đại diện ba nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel đã đưa ra những đề xuất để giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai dịch vụ Mobile Money tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam”.

 Phó Tổng Giám đốc VinaPhone Nguyễn Văn Tấn phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Lao động).

Tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam”do báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ thông tin truyền thông tổ chức sáng nay, đại diện ba nhà mạng đang thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money đã chỉ ra nhiều vấn đề còn bất cập đồng thời kiến nghị những giải pháp.

Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ Viễn Thông VNPT VinaPhone, cho rằng nên xem xét cho phép thuê bao di động không cần thực hiện định danh lại, đồng thời không cần đáp ứng yêu cầu đã sử dụng liên tục trong ít nhất ba tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile money.

Theo ông Tấn, thuê bao phải có “tuổi đời” ít nhất ba tháng mới được sử dụng Mobile Money là quy định không hợp lý. “Bởi khi đã chính xác, đúng thông tin, số điện thoại thì tại sao cần phải chờ một khoảng thời gian như vậy. Phải chăng là an toàn quá gây khó khăn", đại diện VinaPhone đặt vấn đề.

VNPT đề xuất cho phép tăng cường các phương tiện số hoá công nghệ thông tin để khách hàng đăng ký tiện lợi nhất và sớm cho phép dùng EKYC trong phát triển thuê bao di động. Nếu được tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia thì rất tiện lợi cho khách hàng.

Bên cạnh đó, ông Tấn cũng kiến nghị nên cho liên thông giữa các nhà mạng với nhau để người dùng mạng này nhưng vẫn có thể rút tiền ở mạng khác. 

Về hạn mức, trong giai đoạn thử nghiệm, VNPT hoàn toàn đồng ý với hạn mức 10 triệu đồng liên quan đến các hoạt động về rút và chuyển tiền. Tuy nhiên hiện đã hết giai đoạn thử nghiệm hai năm, doanh nghiệp này đề xuất rút và mở rộng giới hạn trên.

Cũng tại hội nghị, bà Phạm Minh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone, đưa ra một số khuyến nghị để giải quyết những khó khăn trong việc triển khai Mobile Money như cho phép các nhà mạng kết nối vào cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư để việc đăng ký không sai so với Chứng minh thư nhân dân cũ.

Đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước có những công cụ hỗ trợ nhà mạng tuyên truyền rộng rãi, cũng như có những chính sách mở tài khoản Mobile; Cập nhật một số điều kiện trong việc thí điểm Mobile-Money để giảm bớt chênh lệch Mobile; Cho phép cung cấp thêm một số dịch vụ mới trên Mobile-Money,...

Đại diện từ nhà mạng Viettel, ông Trương Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, cho rằng cần đẩy mạnh các hoạt động giải ngân, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua tài khoản tiền di động. Để tiền di động vừa là phương thức vừa là động lực cải thiện kinh tế người dân; kích thích sử dụng và đưa tiền di động đến gần hơn với đời sống.

Đồng thời đưa ra các định hướng, chính sách hỗ trợ để xây dựng và nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình thanh toán không tiền mặt trên khắp cả nước. 

Ngoài ra, ngân hàng và các nhà mạng triển khai tiền di động cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác, từ đó mang lại giá trị cho người dân khi sử dụng các tiện ích thanh toán số và dần chuyển đổi thói quen chi tiêu trong đời sống hàng ngày.

Phương Nga

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.