|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam: Cầm cố sổ BHXH tại ngân hàng là trái luật

14:06 | 08/02/2018
Chia sẻ
Trước tình trạng một số địa phương như Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP.HCM, Đăk Nông… có hiện tượng người lao động đem sổ BHXH đi cầm cố, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam - Trần Đình Liệu khẳng định, đó là việc làm trái luật.
pho tong giam doc bhxh viet nam cam co so bhxh tai ngan hang la trai luat Chính thức thay đổi mã số bảo hiểm xã hội

Thông tin trên được ông Liệu cho biết tại buổi tọa đàm với chủ đề “Giao sổ BHXH cho người lao động: Quyền lợi và những vấn đề đặt ra” tổ chức chiều 7/2.

pho tong giam doc bhxh viet nam cam co so bhxh tai ngan hang la trai luat
Ảnh minh họa.

Theo Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, sổ BHXH chỉ có giá trị khi người lao động đến cơ quan BHXH xác định đúng nhân thân, cơ sở dữ liệu thì mới được giải quyết chính sách.

Do đó, ngân hàng nhận sổ cũng phải tìm hiểu chính sách pháp luật liên quan về việc sổ BHXH có giá trị với ngân hàng hay không? Khi cơ quan BHXH không giải quyết chế độ chính sách đó cho ngân hàng thì hệ thống ngân hàng sẽ gặp rủi ro.

“Quan điểm của tôi là việc cầm cố sổ BHXH tại hệ thống ngân hàng là trái pháp luật”, ông Liệu khẳng định.

Cùng dự tọa đàm, luật sư Trương Minh Đức, Công ty Luật Pasico cho rằng, có một vấn đề pháp lý không rõ ràng trong trường hợp này. Theo luật sư Đức, chưa có quy định nào về việc “không được cầm cố sổ BHXH” nên người sử dụng vin vào cơ đó để mang sổ BHXH đi giao dịch.

“Tôi cho rằng cần sửa đổi Luật BHXH để không cho phép giao dịch. Khi chưa có quy định trong luật, cần có văn bản chỉ đạo ở hai phía. Thứ nhất, đó có phải là tài sản không, có giá trị để cầm cố thế chấp như một vật bảo đảm nghĩa vụ dân sự không? Ngân hàng không nên nhận. Việc cầm cố này không có giá trị pháp lý và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Cũng tại buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi trong trường hợp người lao động đem sổ BHXH đi thế chấp nhưng lại lên cơ quan BHXH của tỉnh khai báo mất sổ và xin cấp lại thì cơ quan BHXH có cấp lại không, ông Liệu cho biết, theo quy định của pháp luật, nếu sổ bảo hiểm bị mất, người lao động đề nghị, cơ quan BHXH sẽ cấp lại, không có lý do gì người ta mất sổ mà cơ quan lại không cấp lại.

“Người lao động khi đến đề nghị giải quyết sẽ được giải quyết bình thường theo quy định của luật BHXH. Còn cơ quan BHXH không biết việc anh có thế chấp hay không thế chấp vì giao trách nhiệm người lao động toàn quyền quản lý, sử dụng, nên bây giờ, người lao động đến khai báo là mất hoặc rách hỏng thì chúng ta cấp lại, nhưng cũng cấp lại chỉ trên cơ sở xác định như thế”, ông Liệu cho biết.

Trước đó, sáng 6/2, ông Chu Minh Tộ, Trưởng ban sổ thẻ (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, có hiện tượng một số địa phương như Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, TP HCM, Đăk Nông… xảy ra tình trạng người lao động đem sổ BHXH đi cầm cố với các cá nhân khác, hoặc ngân hàng, tiệm cầm đồ, sau đó đề nghị cơ quan bảo hiểm cấp lại sổ mới.

Người cầm cố thường tập trung tại các khu công nghiệp, sổ bảo hiểm đã tham gia đóng được 3-5 năm. Cơ quan bảo hiểm chưa có số liệu chính xác nên đang thống kê toàn bộ tỉnh, thành, sau đó sẽ đưa ra quy định quản lý chặt chẽ.

Theo ông Chu Minh Tộ, cả người lao động và người nhận cầm cố sổ bảo hiểm đều nằm trong diện cảnh báo vì giao dịch này rủi ro cao, khi tranh chấp sẽ bị thiệt thòi.

Xuân Tùng