|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Phó Thống đốc: Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn ngay cho các tập đoàn lớn

20:30 | 11/10/2023
Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tập trung tháo gỡ ngay khó khăn cho các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, chủ lực của nền kinh tế như cần có cơ chế tín dụng riêng chẳng hạn.

Tại buổi Thủ tướng gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam chiều 11/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhận định trong bối cảnh không mấy tích cực của kinh tế toàn cầu khiến xuất khẩu bị thu hẹp. Các ngành sản xuất nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ cầu thế giới, kể cả cầu đầu tư và cầu tiêu dùng giảm. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu... cũng gặp nhiều khó khăn.

Tất cả những diễn biến này đã ảnh hưởng không thuận lợi đến sự phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, khiến cho các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức sau đại dịch COVID-19, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Tính đến ngày 29/9, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng gần 7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,05%). Riêng trong tháng 9 những ngày đầu tháng 10 tốc độ tăng trưởng tích cực, đạt hơn 1%. Tổng dư nợ cả nền kinh tế là khoảng 13 triệu tỷ đồng, từ đầu năm cung ứng thêm cho doanh nghiệp hỗ trợ thị trường trái phiếu đang khó khăn gần 600.000 tỷ.

Ông Tú cũng cho hay NHNN đã phân bổ và mở rộng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm để các TCTD chủ động cân đối, đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, người dân, trong đó tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên và là động lực tăng trưởng. 

Đồng thời, NHNN cũng ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn, chưa có khả năng trả nợ không bị chuyển nhóm nợ và tiếp tục được các TCTD xem xét cho vay mới nếu đáp ứng đủ điều kiện.

Nhiều chương trình tín dụng đặc thù cũng đã được triển khai như: chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản, chính sách hỗ trợ 2% lãi suất... 20.000 tỷ đồng cho tín dụng tiêu dùng.

NHNN cũng chủ động hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng hình thức cấp tín dụng trên kênh số, sửa đổi các quy định nhằm giảm thiểu thủ tục cho khách hàng vay, tổ chức các buổi gặp gỡ ngân hàng - doanh nghiệp trên 63 tỉnh thành nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn...

Về việc tháo gỡ các điều kiện thủ tục tiếp cận tín dụng, Phó Thống đốc cho biết vấn đề này có hai mặt. Nếu như nới lỏng quá sẽ không bảo đảm tối thiểu trong điều kiện tín dụng, có thể dẫn đến không an toàn lành mạnh các TCTD và an toàn tài chính quốc gia. Vì thế, quan điểm NHNN là bảo đảm hài hòa an toàn vốn, ngược lại tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng tín dụng. 

Đại diện NHNN cũng chia sẻ, ngay hôm qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tập trung tháo gỡ ngay khó khăn cho các Tập đoàn, Tổng công ty lớn, chủ lực của nền kinh tế như cần có cơ chế tín dụng riêng chẳng hạn...Các đối tượng sẽ có chủ trương và giải pháp thời gian tới bao gồm cả các tập đoàn lớn trong lĩnh vực bất động sản, ông Tú cho hay. 

 Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị ngày 11/10. (Ảnh: VGP).

 

 Lãi suất được điều hành theo hướng giảm dần

Từ đầu năm đến nay, NHNN điều hành chính sách tiền tệ theo xu hướng nới lỏng từng bước phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô bằng việc 4 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2 điểm % nhằm định hướng và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay.

Phó Thống đốc cho biết đầu năm kỳ vọng lãi suất giảm chỉ khoảng 1,5 điểm % nhưng đến tháng 10 đã giảm mức 1,5 - 2 điểm %. Dự kiến, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới do tác động của độ trễ chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của NHNN.

Ông Tú chia sẻ trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ bảo đảm tỷ giá ổn định, không để tình trạng đầu cơ găm giữ nâng tỷ giá, sử dụng các nguồn lực, bảo đảm tiếp tục điều hành tỷ giá. Lãi suất được điều hành theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình tăng trưởng kinh tế. NHNN chỉ đạo các ngân hàng tiết kiệm chi phí, bằng mọi nguồn lực chia sẻ khó khăn giảm lãi suất cho doanh nghiệp.

 

H.T