|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Số lượng đăng kí nhập khẩu heo sống đã lên tới 800.000 con

18:40 | 11/06/2020
Chia sẻ
Hiện rất nhiều doanh nghiệp đang đăng kí để nhập khẩu, trên tinh thầnh càng nhập sớm càng tốt. Số lượng đăng kí nhập khẩu tính đến ngày 11/6 đã lên tới 800.000 con.

Ngày 11/6, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) có văn bản gửi Cục Thú y, đồng ý đề xuất của Cục Thú y về việc nhập khẩu heo sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm kể từ ngày 12/6.

Để làm rõ hơn vấn đề này, ngay trong chiều ngày 11/6, người viết đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi. 

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi: Số lượng đăng ký nhập khẩu heo sống đã lên tới 800.000 con - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi. Ảnh: Báo Phú Yên

Thưa ông, dự kiến hạn ngạch nhập khẩu heo sống là khoảng bao nhiêu tấn?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Hiện tại không có hạn ngạch nhập khẩu heo sống về nuôi, giết mổ. Doanh nghiệp tự do đăng kí nhập khẩu heo về. 

Hiện rất nhiều doanh nghiệp đang đăng kí để nhập khẩu, trên tinh thầnh càng nhập sớm càng tốt. Số lượng đăng kí nhập khẩu tính đến ngày 11/6 đã lên tới 800.000 con.

Bên Thái Lan đã đăng kí 8 trang trại xuất khẩu lợn sống sang Việt Nam.

Theo Cục Thú y, số lượng trang trại đăng kí có thể thay đổi tùy từng thời điểm nhưng bảo đảm các trang trại này đều được Cơ quan Thú y có thẩm quyền của Thái Lan giám sát và đăng ký với Cục Thú y Việt Nam.

Các trang trại chăn nuôi này được quản lý theo tiêu chuẩn TSA 6403-2009 của Thái Lan về Thực hành Nông nghiệp tốt đối với trang trại chăn nuôi lợn, bao gồm quản lý chung về vệ sinh trang trại, vệ sinh môi trường, phòng chống và giám sát dịch bệnh, phúc lợi động vật, quản lý thức ăn, nước uống dùng cho lợn…

Tuy nhiên các doanh nghiệp mới đăng kí “xếp lốt” thôi, còn việc nhập khẩu chính xác bao nhiêu con họ còn phải tính toán kĩ lưỡng. Bên cạnh đó, mặc dù chính thức bắt đầu từ ngày 12/6, doanh nghiệp được phép nhập khẩu thịt heo nhưng sau ít nhất 5 ngày lứa heo đầu tiên mới về.

Việc nhập khẩu heo từ nước ngoài được đánh giá là sẽ tiềm ẩn rủi ro tái phát dịch, vậy biện pháp nhằm hạn chế rủi ro này là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Bây giờ, điều quan trọng nhất là Thái Lan phải chứng minh được nguồn gốc và heo xuất phát từ vùng an toàn dịch bệnh. Về đến Việt Nam, heo sẽ được nuôi cách ly trong vòng 5 ngày. Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ lấy mẫu xét nghiệm. Nếu heo khỏe mạnh, không bị nhiễm dịch tả heo châu Phi thì sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam.

Dự tính giá heo hơi nhập khẩu sau khi về đến Việt Nam là bao nhiêu, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Doanh nghiệp Thái Lan chưa tiết lộ giá heo hơi bên đó xuất bao nhiêu. Do đó, chúng tôi chưa thể dự tính giá heo hơi sau khi nhập khẩu về Việt Nam. 

Xin ông cho biết việc nhập khẩu heo hơi sẽ tác động thế nào đối với giá heo trong nước trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Việc nhập khẩu heo sống về Việt Nam chắc chắn sẽ làm giá heo hơi trong nước giảm mạnh. Điển hình thời gian qua, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đồng ý với phương án đảm bảo an toàn dịch bệnh nhằm nhập khẩu heo sống, giá heo hơi trong nước đã giảm tới 10.000 đồng/kg. 

Có nơi thậm chí giá heo hơi trước đây cán mốc 100.000 đồng/kg thì hiện chỉ còn 89.000 - 92.000 đồng/kg.

Ngoài ra, việc giảm giá còn do bắt đầu từ tháng 6, lứa heo tái đàn từ tháng 10 năm ngoái tái đàn bắt đầu xuất chuồng. Do đó, nguồn cung cũng tăng lên. 

Bên cạnh đó, các sản phẩm khác như thịt gà, cá, gia súc, gia cầm tăng nhiều về sản lượng. Người dân thấy giá thịt heo quá đắt nên chuyển sang dùng các loại thực phẩm này nên cũng đã góp phần hạ nhiệt giá heo hơi. 

Tất nhiên cung - cầu vẫn đang mất công đối nhưng người dân bắt đầu thay đổi dần thói quen ăn uống.

Liệu rằng ngành chăn nuôi có thể đáp lại được lời kêu gọi giảm giá heo hơi xuống 60.000 đồng/kg của Thủ tướng hay không, thưa ông?

Trong bối cảnh giá vừa qua, giá thành chăn nuôi tăng lên rất cao do đó, việc giảm giá heo hơi xuống 60.000 đồng/kg là rất khó. Trong khi đó, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn chỉ chiếm 35% thị phần trên cả nước. 

Thực chất, giá thành chăn nuôi hiện nay rất cao. Đối với các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa chủ động được giống, chi phí lên tới 70.000 đồng/kg còn đối với các doanh nghiệp đã chủ động được heo giống và chăn nuôi khép kín, giá thành khoảng 50.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, chắc chắn giá heo hơi sẽ giảm. Ví dụ như bắt đầu từ mai trở đi, khi các doanh nghiệp nhập khẩu heo thì sẽ giúp nguồn cung tăng lên, giá heo sẽ giảm. 

Bên cạnh đó, vừa qua doanh nghiệp cũng đã tăng cường nhập khẩu heo giống để phục vụ cho việc tăng cường tái đàn. Điển hình như Công ty TNHH Dinh dưỡng Quốc tế Việt Đức cũng đã nhập khẩu trực tiếp heo bố mẹ loại 85 - 100 kg nhằm sản xuất con giống có ngay trong năm nay.

Cục Chăn nuôi cũng không đặt mục tiêu hạ giá heo hơi xuống còn bao nhiêu từ nay đến cuối năm. Bởi, mặt hàng này phụ thuộc nhiều vào thị trường, không phải là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Do đó, giá cá chập chờn trong thời gian qua nhưng thời gian tới chắc chắn sẽ xuống và ổn định. 


H.Mĩ