Philippines khởi xướng điều tra tự vệ đối với hạt nhựa nhập khẩu
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết ngày 14/9, Cục Phòng vệ thương mại nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Philippines về việc Bộ Công Thương Philippines (DTI) tiến hành 2 vụ việc điều tra tự vệ đối với hạt nhựa mật độ cao (HDPE) và hạt nhựa mật độ thấp tuyến tính (LLDPE).
Nguyên đơn trong cả 2 vụ việc này là Công ty JG Summit Petrochemical Corporation (JGSPC) đại diện cho ngành sản xuất trong nước.
Theo đơn kiện, nguyên đơn cáo buộc việc gia tăng nhập khẩu HDPE và LLDPE vào Philippines đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước của Philippines.
Cụ thể, lượng nhập khẩu HDPE vào Philippines có sự gia tăng tuyệt đối trong giai đoạn điều tra (POI).
Cụ thể, lượng nhập khẩu HDPE của quốc gia này trong POI lần lượt là 29.600 tấn (năm 2015), 83.500 tấn (năm 2016), 80.600 tấn (năm 2017), 88.200 tấn (năm 2018) và 111.100 tấn (năm 2019).
Trong khi đó, lượng nhập khẩu LLDPE vào Philippines có sự gia tăng tuyệt đối trong giai đoạn điều tra (POI).
Cụ thể, lượng nhập khẩu HDPE của quốc gia này trong POI lần lượt là 80.000 tấn (năm 2015), 83.900 tấn (năm 2016), 79.800 tấn (năm 2017), 110.200 tấn (năm 2018) và 120.600 tấn (năm 2019).
Mặt khác, lượng xuất khẩu HDPE của Việt Nam vào Philippines lần lượt là 161 tấn năm 2018 (chiếm 0,18% tổng lượng nhập khẩu) và 24 tấn năm 2019 (chiếm 0,02% tổng lượng nhập khẩu).
Đối với LLDPE, Philippines nhập khẩu từ Việt Nam 198 tấn năm 2015 (chiếm 0,25% tổng lượng nhập khẩu), 74 tấn năm 2016 (chiếm 0,09% tổng lượng nhập khẩu), 50 tấn (chiếm 0,06% tổng lượng nhập khẩu), 85 tấn (chiếm 0,08% tổng lượng nhập khẩu) và 60 tấn (chiếm 0,05% tổng lượng nhập khẩu).
Xét trong năm gần nhất của POI, chưa cần xét tới tiêu chí loại trừ các nước đang phát triển trong tổng số các nước có có thị phần riêng lẻ dưới 3% có mức nhập khẩu cộng gộp là 6,73% (đối với HDPE) và 3,58% (đối với LLDPE), Việt Nam thỏa mãn điều kiện được loại trừ khỏi vụ việc theo qui định tại Điều 9.1 Hiệp định về các biện pháp tự vệ.
Tuy nhiên, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu cần chủ động theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình vụ việc. Đồng thời liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để trao đổi thông tin và nhận được sự hỗ trợ kịp thời, đặc biệt trong trường hợp phát sinh các vấn đề bất thường.