|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Phát triển doanh nghiệp tư nhân: Mấu chốt ở thực thi chính sách

15:00 | 01/12/2019
Chia sẻ
'Hiện đã có nhiều nghị quyết, chính sách để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tư nhân nhưng vấn đề lại nằm ở việc thực thi các chủ trương, chính sách này' - chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Việc sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được cộng đồng các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư trong và ngoài nước hết sức quan tâm, ông đánh giá như thế nào về hai dự thảo luật quan trọng này?

Quá trình soạn thảo Dự thảo Luật Đầu tư và Luật DN tương đối công phu và bài bản, cơ bản đổi mới, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay và hướng đến hội nhập. 

Qua nhiều lần lấy ý kiến DN, cơ quan, bộ, ngành liên quan, tôi thấy rằng, các dự thảo đến thời điểm hiện nay tương đối chất lượng.

Phát triển doanh nghiệp tư nhân: Mấu chốt ở thực thi chính sách - Ảnh 1.

DN tư nhân là một trong những trụ cột phát triển kinh tế

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tôi băn khoăn. Đối với Dự thảo Luật Đầu tư, cần phải làm rõ hơn các ngành nghề được phép kinh doanh, bởi trong dự thảo đang đưa ra vấn đề cấm một số ngành, nghề không được phép kinh doanh. 

Điều này, không phù hợp với bối cảnh chúng ta đang tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân được phép kinh doanh những gì họ mong muốn, tất nhiên trong khuôn khổ pháp luật.

Phát triển doanh nghiệp tư nhân: Mấu chốt ở thực thi chính sách - Ảnh 2.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Bên cạnh đó, về ưu đãi đầu tư, có điều kiện còn “lỏng” và chung chung nhưng có điều kiện lại quá “chặt”. Đồng thời, Dự thảo Luật đầu tư hiện đang hướng đến mở rộng quyền hành hơn cho các địa phương. 

Tuy nhiên, cần cân nhắc về cơ chế, cách thức kiểm soát, giám sát để không dẫn đến việc cạnh tranh thu hút đầu tư không lành mạnh giữa các địa phương, các dự án đầu tư dàn trải và thiếu chất lượng.

Đặc biệt, lâu nay, chúng ta rất thiếu sự hỗ trợ của nhà nước đối với đầu tư ra nước ngoài, và dự thảo luật hiện nay cũng đang đi theo hướng đó, tức là chưa tạo ra một sự hỗ trợ cần thiết đối với việc đầu tư Việt Nam ra nước ngoài, nhất là trong bối cảnh hội nhập, nhiều DN Việt Nam đã tham gia đầu tư ở các nước trong khu vực.

Còn về Dự thảo Luật DN, tôi cho rằng có nhiều bước mở và cải thiện. 

Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định rõ loại hình DN nhà nước, bởi lâu nay, việc định nghĩa chưa nhất quán giữa Nghị quyết với Luật, dẫn đến khó trong triển khai; đồng thời, cần phải có quy định rõ hơn về các lĩnh vực DN được phép kinh doanh, không bị cấm. 

Ngoài ra, liên quan đến huy động vốn của DN, nhất là việc phát hành trái phiếu, có ý kiến cho rằng nên để Luật DN chi phối điều tiết, nhưng cũng có ý kiến đưa về Luật Chứng khoán để quản lý… Do đó, vấn đề này cần được thống nhất ngay từ khi chúng ta dự thảo Luật DN.

Kinh tế tư nhân hiện được coi là động lực trong tăng trưởng kinh tế. Nhưng thực tế các DN trong khu vực này gặp nhiều khó khăn về năng lực và quy mô phát triển. Theo ông, trong dự thảo sửa đổi các luật trên, cần có cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ DN tư nhân?

Hiện nay, chúng ta đã có rất nhiều nghị quyết, chính sách của Đảng và nhà nước để hỗ trợ phát triển DN tư nhân và coi DN tư nhân là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế trong thời gian tới. 

Thậm chí, đã có định hướng, yêu cầu đến năm 2030, khối kinh tế tư nhân có thể đóng góp khoảng 60 - 65% GDP. 

Nhưng vấn đề nằm ở việc thực thi các chủ trương chính sách, việc triển khai thực hiện vẫn còn rất chậm và thiếu nhất quán, thiếu ổn định nên chưa phát huy hiệu quả.

Bên cạnh đó, sự công bằng giữa ba khối DN (DN nhà nước, DN tư nhân và DN FDI) vẫn chưa tốt, nhất là giữa DN FDI với DN trong nước. Có ý kiến cho rằng, dường như các DN FDI đang có nhiều ưu đãi hơn. 

Vì vậy, đã đến lúc cần rà soát lại các cơ chế về ưu đãi, nhất là ở các địa phương đối với các DN FDI, để thu hút được các dự án FDI chất lượng hơn và đảm bảo đáp ứng tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”.

Như ông vừa chia sẻ, hiện nay còn thiếu sự hỗ trợ của nhà nước đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về xu hướng các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài thời gian qua?

Rõ ràng, xu hướng các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đang tăng lên trong khoảng 2, 3 năm vừa qua. Hàng năm, việc đầu tư ra nước ngoài vẫn tăng ở mức khoảng 10 - 15%, nhất là ở những thị trường mới nổi, phát triển tốt trong khu vực như Lào, Campuchia, Myanmar và kể cả một số nước ở châu Phi… 

Điều này mang lại nhiều đóng góp về lợi nhuận, doanh thu cho DN, tạo việc làm cho lao động địa phương. Đặc biệt, là tăng quan hệ hợp tác đầu tư kinh doanh giữa Việt Nam với nước sở tại và tạo hình ảnh của người Việt, DN Việt ở nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, DN, doanh nhân Việt Nam vẫn có 4 điểm yếu cố hữu cần thay đổi, đó là thiếu tính bài bản, chuyên nghiệp; kỹ năng về quản trị DN chưa tốt; các DN còn thiếu đoàn kết, liên kết gắn kết với nhau, chính vì thế chúng ta ít có chuỗi giá trị; cuối cùng là tính đổi mới sáng tạo, chủ động của DN Việt Nam chưa tốt, cho nên hàm lượng công nghệ, chất xám trong sản phẩm dịch vụ của DN Việt Nam còn ở mức thấp so với khu vực.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Nga